Trong hai
ngày 14 và 15/6, tại bản Tông Khao, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, Hội Văn học
nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp với chính quyền, nhân dân xã Thanh Nưa đã tổ
chức phục dựng Lễ hội Xên Mường-Mường Thanh năm 2012.
Lễ hội gồm những nghi thức, lễ chính mang đậm tín
ngưỡng tâm linh của đồng bào dân tộc Thái như giết vật hiến tế, cướng lễ Xên
Mường, Cắm Ta leo cổng Mường tại rừng cấm (Đông Xên), lễ xin đánh trống khai
hội, lễ trả áo (cọp sửa), lễ tụ hồn dân Mường.
Ngoài ra,
lễ hội còn có nhiều môn thể thao, trò chơi dân gian mang đậm sắc thái bản địa
như ném còn, kéo co lý mường (tó lạ), đi cà kheo (chọ chẹ), leo cây (khửn may),
chọi cù, hát đối đáp.
Theo
“Chuyện kể bản Mường” (Quám tố mướng) của dân tộc Thái kể lại, Lễ hội Xên Mường
có từ thế kỷ XIII, loại hình văn hóa dân gian đậm chất văn hóa bản địa này phát
triển hưng thịnh và tồn tại đến mãi năm 1959 với mục đích thể hiện sự biết ơn
của thế hệ sau đối với các bậc tiền bối khai sơn phá thạch lập bản, dựng mường,
với các tướng lĩnh đã có công chống “ngoại xâm, nội phản” trong tiến trình dựng
nên bản, mường. Qua lễ hội Xên Mường, con người còn gửi gắm vào đó những ước
vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản Mường.
Ban Tổ chức
lễ hội cho biết, tuy là lần đầu tiên tổ chức sau 53 năm bỏ quên, nhưng lễ hội
năm nay cơ bản đã tuân thủ bài bản các bước, quy trình tiến hành và đầy đủ các
lễ, nghi thức của một lễ hội Xên Mường xa xưa. Những ngày Lễ hội Xên Mường diễn
ra đã thu hút hàng ngàn người dân ở khắp lòng chảo Mường Thanh đến dự, chia
vui.
Bà Lường
Thị Đại, nhà sưu tầm-nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Thái ở Điện Biên cho
biết Xên Mường là một lễ hội đặc sắc, điển hình của văn hóa Thái, ngoài ý nghĩa
giáo dục ý thức tôn trọng luật lệ bản mường, lòng tự tôn dân tộc, trao truyền nhiều
tri thức dân gian bản địa, Xên Mường còn làm tăng thêm tình nghĩa bản mường,
thắt chặt mối đoàn kết cộng đồng...
Lễ hội Xên
Mường, Mường Thanh năm nay được tổ chức dựa trên những luận cứ khoa học xác
đáng về giá trị, vai trò, đóng góp tích cực của lễ hội Xên Mường đối với lịch
sử xã hội người Thái và đối với các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên; giá
trị nhân văn của lễ hội Xên Bản trong việc bản tồn và phát huy các giá trị văn
hóa truyền thống của dân tộc... mà các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa dân
gian đã nêu ra trong những hội thảo, tọa đàm trước đó.
Việc phục
dựng lễ hội Xên Mường năm nay là tiền đề để tổ chức lễ hội vào những năm sau ở
các địa phương trên địa bàn, làm sống dậy một nét đẹp văn hóa, một nghi thức
tâm linh độc đáo của cộng dồng dân tộc Thái Tây Bắc.