Khu trung
tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội là di tích có bề dày lịch sử, trải dài hơn
10 thế kỷ, bao gồm cả thời kỳ tiền Thăng Long đó là thành Đại La thế kỷ thứ
VII, thế kỷ thứ VIII, thứ IX, đặc biệt từ khi Vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long
(thế kỷ XI) cho đến ngày nay.
Khu di tích
Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu bắt đầu được khai quật từ tháng
12/2002 và được mở rộng như hiện nay vào giữa năm 2003, với mục đích ban đầu là
khai quật giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Nhà
Quốc hội. Trong những năm qua, các nhà khảo cổ đã tổ chức nhiều cuộc khai quật
lớn, thu được rất nhiều di vật quí giá.
Giá trị của
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long- Hà Nội thể hiện ở chỗ nó gần như là một
"bộ lịch sử sống" chảy suốt theo cả chiều dài lịch sử Thăng Long- Hà
Nội; nơi quy tụ các di sản văn hoá của cả nước, tinh hoa của nền văn hoá của cả
nước. Đây vừa là nơi kết tinh, toả chiếu nền văn hoá lâu đời của nước Đại Việt
trước đây, Việt Nam hiện nay, vừa là nơi biến các yếu tố văn hoá ngoại sinh
thành nội sinh, làm phong phú và đa dạng thêm cho nền văn hoá dân tộc. Đây là
trung tâm quyền lực, trung tâm chính trị của đất nước, nơi các vương triều
trước đây, cũng như Đảng và Nhà nước trong thời hiện đại đã đưa ra các quyết
sách trong xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước… để vượt qua mọi khó khăn, thử
thách tạo nên các thời kỳ huy hoàng trong lịch sử.
Từ năm
2006, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ, xếp hạng di tích
quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa
Thế giới. Dựa trên những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này, ngày
31/7/2010, Ủy ban di sản thế giới trong kỳ họp thứ 34 tại Brasilia (Brasil) đã
thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long là di sản
văn hóa thế giới.
Nhằm phát
huy những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu của khu di tích có lịch sử tồn tại
và phát triển liên tục từ hơn 1.300 năm trước, ngày 8/6/2012, Thủ tướng Chính
Phủ đã ban hành Quyết định số 696/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng mặt bằng Khu
di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (thành phố Hà Nội).
Trong quyết
định nêu rõ: Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch tổ chức không gian và các khu
chức năng; Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng và chiều cao công trình; Tổ
chức tham quan; Quy hoạch về cơ sở hạ tầng như giao thông, hệ thống cấp thoát
nước, hệ thống điện, thu gom rác thải…
Mục tiêu
quy hoạch là nhằm đưa Khu di tích 18 Hoàng Diệu cùng với khu Thành cổ trở thành
Công viên Văn hoá Lịch sử nhằm phát huy những giá trị nổi bật mang tính toàn
cầu của khu di tích, thể hiện được ý nghĩa của khu di sản thế giới có lịch sử
tồn tại và phát triển liên tục từ hơn một nghìn ba trăm năm trước. Mặt khác,
quy hoạch nhằm bảo tồn lâu dài các dấu tích kiến trúc, hiện vật, di chỉ khảo cổ
học đã được phát lộ, tôn vinh các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể cho
các thế hệ mai sau.
Cùng với
đó, mục tiêu quan trọng nữa là tạo điều kiện cho người dân, khách tham quan
trong và ngoài nước có cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu giá trị, ý nghĩa của khu
di sản và nền văn hiến lâu đời của dân tộc Việt Nam; tuyên truyền, nâng cao
trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo vệ gìn giữ di sản thế giới; tạo lập một
không gian văn hoá cộng đồng hài hoà trong tổng thể không gian kiến trúc cảnh
quan, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với khu vực Khu Trung tâm Chính trị Ba Đình;
làm cơ sở để lập các kế hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý bảo tồn và
phát huy giá trị khu di sản.
Hương Lê (TTTTDL)