Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện khoa học phát triển nhân lực kinh tế và văn hoá tổ chức hội thảo đề tài khảo sát, xây dựng các tuyến, điểm du lịch tỉnh Bắc Kạn.
Tỉnh Bắc Kạn có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng và có tiềm năng lớn về du lịch. Tài nguyên thiên nhiên Bắc Kạn chủ yếu là những hang, động, sông, suối. Tài nguyên nhân văn là các lễ hội, bản sắc dân gian, làng bản, phong tục tập quán và làng nghề.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Thành Tuấn, Chủ nhiệm đề tài khảo sát xây dựng các tuyến, điểm du lịch Bắc Kạn trình bày kết quả khảo sát. Qua thực tế, nhóm khảo sát nhận thấy, hiện nay tỉnh Bắc Kạn ngoài những điểm du lịch đã và đang khai thác còn những điểm du lịch tiềm năng có thể đưa vào khai thác trong tương lai gần cùng với những điểm du lịch có thể đầu tư phát triển mạnh và hiệu quả hơn nữa như: thác Nà Noọc, thác Khuổi Lẳng và các bản Đồn, Khuổi Lẳng thuộc khu vực thị xã Bắc Kạn; thác Rọm, Lũng Pẻn, Vi Hương, Nặm Cắt, các lễ hội Phủ Thông, Lục Bình, Quang Thuận, Vi Hương thuộc thuyện Bạch Thông; Chùa Thạch Long, đền Thắm, hang Dơi của huyện Chợ Mới; hồ Ba Bể, dòng sông Năng cùng các nguồn tài nguyên phụ cận huyện Ba Bể; cụm di tích Nà Pậu - Khau Mạ (Chợ Đồn); động Nàng Tiên, hai lễ hội lớn Xuân Dương và Lam Sơn (Na Rì). Với mỗi điểm du lịch lại có những bản sắc văn hoá riêng. Dựa trên đặc điểm du lịch riêng của từng vùng, nhóm khảo sát cũng đã đề ra các tuyến du lịch đi trong ngày và nhiều ngày.
Tại hội thảo, đại diện các đơn vị cũng đã thảo luận và trình bày các tham luận, đưa ra những ý tưởng đóng góp cho sự bảo tồn, phát triển các điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Có thể nhận thấy, việc phát hiện, giới thiệu và phát triển các điểm du lịch không chỉ là khai thác các tiềm năng du lịch của tỉnh, mà còn là sự phát triển cơ sở hạ tầng đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, quảng bá về thiên nhiên, con người tỉnh Bắc Kạn, đồng thời kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư cho sự phát triển chung của cả tỉnh.