Du lịch làng nghề Bến Tre - thực trạng và giải pháp
Cập nhật: 11/07/2012
Cuộc sống hiện đại không thể thiếu du lịch. Nhu cầu này ngày càng đòi hỏi nhiều hơn khi con người thường phải sống trong những chung cư chật chội, làm việc trong các khối nhà cao tầng ngột ngạt, cũng như áp lực công việc trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Từ những năm 2000 đến nay, mô hình du lịch sinh thái - sông nước kết hợp tham quan làng nghề truyền thống đã phát triển mạnh trong suốt tiến trình phát triển du lịch ở xứ dừa Bến Tre.

Từng làng nghề, từng ngành nghề đã thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng khu vực, từng địa phương mình. Nét đẹp, ý nghĩa và hiệu quả của làng nghề từng bước đem lại sự mới lạ, kích thích sự tìm hiểu, cảm nhận của du khách cũng như góp phần cải thiện cuộc sống cho nông dân vùng quê xứ dừa hiếu khách.

Thế nhưng, thực trạng phát triển các làng nghề truyền thống này để phục vụ cho loại hình du lịch sinh thái hiện nay vẫn còn nhiều băn khoăn. Nhà nước, nhà kinh doanh lữ hành và các hộ nông dân đang quan tâm là làm sao để mở rộng làng nghề, tạo thu nhập và thu hút du khách, đồng thời đẩy mạnh các làng nghề phát triển bền vững trong thời kinh tế hội nhập. Điều đó vẫn đang chờ câu trả lời từ các ngành có liên quan.

             Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ

Bến Tre - xứ dừa đang sở hữu nhiều làng nghề, trong đó nhiều làng nghề đã được công nhận và thu hút khách hàng cũng như khách du lịch như: nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa ở Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre; làng nghề dệt chiếu ở Nhơn Thạnh (TP. Bến Tre), An Hiệp (huyện Châu Thành); làng nghề hoa kiểng, cây giống Vĩnh Thành (Cái Mơn) và các xã của huyện Chợ Lách; làng nghề đúc lu Hòa Lợi, làng nghề bó chổi cọng dừa ở xã Mỹ An (Thạnh Phú); làng nghề đan lát Phước Tuy; làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ (Ba Tri); làng nghề cá khô ở An Thủy (Ba Tri), Bình Thắng (Bình Đại); làng nghề kềm kéo Mỹ Thạnh (Giồng Trôm); làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm)… Với sự đa dạng về ngành nghề, các sản phẩm đã được bán trên khắp trong, ngoài tỉnh, xuất khẩu ra nước ngoài và được khách hàng, du khách rất ưa chuộng. Nhưng thực trạng việc sản xuất kinh doanh, việc bảo tồn và phát triển làng nghề vẫn còn nhiều hạn chế như:  thiếu vốn, đầu ra cho sản phẩm dẫn đến tồn đọng hàng hóa, ý chí kinh doanh bị giảm; thiếu cơ hội để tiếp cận với công nghệ hiện đại, thông tin thị trường, các phương tiện quảng bá thương hiệu cho sản phẩm; mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm chưa mang tính thẩm mỹ cao, chưa tiện dụng trong vận chuyển...

Vì vậy, muốn khôi phục và phát triển bền vững các làng nghề, giữa nhà nước, địa phương, các thành phần kinh tế, người dân và cả du khách cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, khắc phục các hạn chế trên.

Cụ thể là, thứ nhất, thành lập Ban quản lý tại từng địa phương và phân bố các cụm làng nghề hợp lý để quản lý hệ thống các làng nghề phát triển trên cả hai phương diện: kinh tế và du lịch. Từ đó, có kế hoạch đề nghị hỗ trợ vốn để giúp đỡ các hộ dân, đảm bảo quá trình hoạt động của họ được diễn ra một cách thuận lợi, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, xây dựng các hợp tác xã, các mô hình hoạt động đặc trưng cho làng nghề, có hệ thống vệ sinh, xử lý chất thải, hệ thống thu gom rác phù hợp và hiệu quả, bảo vệ tốt môi trường.

Thứ ba, thường xuyên làm công tác giáo dục, đào tạo cho người dân tại làng nghề về văn hóa giao tiếp, đạo đức kinh doanh; mở các khóa bồi dưỡng, học tập nâng cao tay nghề cho nghệ nhân, giáo dục cách ứng xử, tiếp xúc giữa dân địa phương với du khách. Không để xảy ra tình trạng chèo kéo, ăn xin, hàng hóa kém chất lượng, chặt chém du khách…

Thứ tư, tạo điều kiện và khuyến khích các hộ nông dân tiếp nhận thông tin thị trường, hướng dẫn họ áp dụng công nghệ mới nhanh và hiệu quả. Chú ý bảo tồn và phát triển những nét văn hóa đặc sắc để nâng cao giá trị truyền thống làng nghề phục vụ khách du lịch.

Thứ năm, chú trọng công tác quảng bá rộng rãi bằng nhiều kênh thông tin, trong các tour du lịch để tiếp cận thị trường. Tham gia các hội chợ, các ngày hội làng nghề, từ đó tập hợp các nghệ nhân trong nghề với các sản phẩm đặc trưng của họ để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm thúc đẩy công tác quảng bá hiệu quả hơn.

Thứ sáu, các Ban Quản lý, các cơ sở sản xuất phối hợp với các công ty lữ hành tuyển chọn, đào tạo hướng dẫn viên tại chỗ. Thỏa thuận thu phí dịch vụ điểm đến nhằm hỗ trợ cho công tác phát triển làng nghề. Ngoài ra, các đơn vị lữ hành cần quan tâm, trao đổi thông tin góp ý từ du khách về chất lượng dịch vụ và sản phẩm hàng hóa tại các làng nghề. Tránh việc các công ty lữ hành ép giá các hộ làm nghề dẫn đến sản phẩm được cung cấp không đạt yêu cầu và hậu quả là du khách có ấn tượng xấu, làm mất niềm tin đến điểm du lịch và làng nghề.

                Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng

Cuối cùng là mở rộng các điểm tham quan làng nghề nhằm đưa vào hoạt động nhiều tour du lịch để tạo ra các tuyến điểm giúp du khách có điều kiện tìm hiểu về làng nghề, đời sống người dân địa phương.

Từ thực trạng như hiện nay, để các làng nghề phát triển nhanh chóng, bền vững như ý muốn là điều không dễ thực hiện được ngay, mà chúng ta cần phải chung tay góp sức, trưng cầu rộng rãi các ý kiến để xây dựng lộ trình hợp lý, áp dụng nhiều giải pháp khác nhau trên tinh thần phát triển các làng nghề truyền thống một cách bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển ngành du lịch Bến Tre gắn với xây dựng các xã nông thôn mới, tạo cho Bến Tre trở thành một điểm đến hấp dẫn, không thể thiếu trong chương trình du lịch của du khách trong và ngoài nước.  

www.bentre.gov.vn