Lễ hội được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống cư dân văn hóa bản địa, nên cũng là dịp tốt nhất để địa phương thu hút nguồn khách du lịch.
Ngành du lịch Vĩnh Long đã có những bước đi đầu tiên, bằng việc nghiên cứu, đầu tư nâng cấp lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát ở huyện Trà Ôn.
|
Một góc khu di tích Lăng Ông Thống chế Điều bát |
Ông Trần Minh Triết - Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đang hoàn thành kế hoạch chi tiết nâng cấp lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát ở Trà Ôn trở thành lễ hội lớn của tỉnh và khu vực. Kế hoạch gồm có 2 nội dung: vật thể và phi vật thể. Từ đó, có định hướng đầu tư, quảng bá, để lễ hội phát huy được tính đặc thù cũng như giới thiệu được vẻ đẹp đặc sắc của văn hóa truyền thống thông qua lễ hội. Ngay trong năm 2012, Di tích Lăng Ông sẽ được đầu tư 750 triệu đồng để thay mới toàn bộ hệ thống mái che của nhà khách; xây dựng sân khấu ngoài trời có tính chất như một võ ca nhưng tách biệt, tránh phá vỡ kiến trúc nguyên thủy của di tích…
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, về nội dung phi vật thể, lễ hội cũng cần được hoàn chỉnh có bài bản, trước mắt sẽ nhờ Ban tế lễ đình Long Thanh hỗ trợ nghi thức của “học trò lễ”, sau đó sẽ tập huấn chung cho cụm di tích gồm cả đình Thiện Mỹ. Ngoài ra, cần suy nghĩ kỹ đưa vào lễ hội nghi thức “thỉnh sắc”, “rước tro” ở Trà Ôn, nhằm làm phong phú thêm nội dung cho lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều bát, đồng thời thu hút sự tham gia đông đảo người dân, tăng thêm nét độc đáo của lễ hội.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, từ quy mô làng, xã đến quốc gia. Trong đó, có khoảng 70% lễ hội do cấp xã quản lý, những lễ hội này chỉ thu hút sự tham gia cộng đồng dân cư quanh vùng ở phạm vi hẹp. Ở đây Lăng Ông là di tích cấp quốc gia, và tự thân có sức lan tỏa trong dân gian về một nhân vật lịch sử có thật, tạo nên sự tôn thờ, tín ngưỡng của đông đảo người dân trong vùng, là điều kiện rất thuận lợi để phát huy hơn nữa giá trị của di tích.
Mỗi mùa lễ hội, Lăng Ông thu hút từ 30.000 đến 40.000 khách tham dự, chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt về nhân vật lịch sử đã trở thành niềm tín ngưỡng được tôn thờ chung của cả 3 dân tộc anh em có truyền thống cộng cư lâu đời ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo một số tài liệu lịch sử, ông Nguyễn Văn Tồn là người Khmer, thuộc làng Nguyệt Lãng, xã Phú Bình, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, có tên thật là Thạch Duồng. Thuở nhỏ, ông đã theo hầu Chúa Nguyễn, hết lòng tận tụy trung thành nên được chuyển làm cai đội và mang “quốc thích”. Từ năm 1786- 1789, ông theo Chúa Nguyễn chạy sang Vọng Các. Khi Nguyễn Ánh trở về nước, ông được phân công đi chiêu mộ thành lập đội quân người Khmer và lãnh nhiệm vụ thống quản đội quân đó. Dưới triều Gia Long, từ 1802- 1811, ông đóng góp nhiều công trạng trong việc dẹp loạn ở biên giới Tây Nam, cũng như công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ. Đặc biệt công đức của ông là giúp dân vùng Trà Ôn, Trà Vinh, Mang Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm ấp. Ngoài ra, năm 1819, ông được Thoại Ngọc Hầu phân công đốc thúc dân phu đào kênh Vĩnh Tế. Do lao tâm, lao lực, ông bị mất vào đầu năm Canh Thìn (1820), ông được triều đình truy tặng “Tiền quân Thống chế”.
Một số tài liệu khác thì cho biết, vào mùa hè năm Canh Thìn (1820), nước ta bị một trận đại dịch làm chết hàng vạn người. Trận dịch bắt đầu từ Trấn Tây, lan qua Nam Bộ rồi lan ra tận Thừa Thiên Huế. Trong lúc nguy ngập này, ông được người dân địa phương xem là vị thần linh bảo hộ, một vị tiền hiền; còn người Hoa xem ông là Ông Bổn ở địa phương và thờ cúng dưới dạng “Báo hổ tư nguyên”. Đó là những lý do quan trọng tạo nên sự thu hút của đồng bào 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đều tôn thờ và tín ngưỡng đối với Tiền quân Thống chế Nguyễn Văn Tồn. Do đó, lễ hội vừa mang yếu tố tâm linh, vừa mang tính truyền thống lịch sử của một nhân vật có thật.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi sẵn có, để tạo cho lễ hội trở thành sự kiện lớn thu hút được du khách trong vùng, trong nước và quốc tế thì còn đòi hỏi rất nhiều thứ. Tại buổi lễ ký kết hợp tác giữa ngành du lịch TP Hồ Chí Minh và Vĩnh Long lần thứ nhất, cách đây 6 năm, ông Lã Quốc Khánh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh có gợi ý: lễ hội ở địa phương là một trong những cơ hội tốt nhất để thu hút khách du lịch. Nhưng để thành công rất cần có những đầu tư bài bản, trong cách tổ chức đòi hỏi tính chuyên môn và chuyên nghiệp cao. TP Hồ Chí Minh sẵn sàng hỗ trợ Vĩnh Long hết mình trong điều kiện có thể, vấn đề là địa phương phải giới thiệu được những lễ hội có tính đặc sắc, có thể đẩy lên thành sự kiện lớn hàng năm.
Thực tế chứng minh theo như ông Lã Quốc Khánh, dù không phải là quê hương của cây trái, nhưng TP Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên đã tạo nên được lễ hội cây trái Nam Bộ rất thành công, phối hợp với Khu du lịch Suối Tiên làm nguồn khách tăng lên đáng kể. Vấn đề ở đây là tầm nhìn, khâu tổ chức sự kiện.
Đối với lễ hội Lăng Ông ở Trà Ôn, với tư cách là đơn vị ký kết hợp tác phát triển, TP Hồ Chí Minh cũng rất sẵn sàng hỗ trợ Vĩnh Long tư vấn, lập kế hoạch và tổ chức sự kiện. Tuy nhiên theo tinh thần “liệu cơm gắp mắm”, trong tình hình kinh tế eo hẹp, ngành du lịch Vĩnh Long chỉ đi từng bước tùy theo khả năng của mình. Đây cũng là cách làm phù hợp, nhưng có lẽ khó mang tính đột phá. Thiết nghĩ, trong tầm nhìn xa hơn, Vĩnh Long rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ, có tính chuyên nghiệp cao để làm sao khai thác lợi thế không chỉ của lễ hội Lăng Ông, mà là sự kết nối phát huy thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống, sản vật, phong phú về văn hóa, tiềm năng du lịch.