(TITC) - Ngày 07/8/2012, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ” (ESRT) tổ chức Hội thảo kỹ thuật về Marketing du lịch và Thương hiệu du lịch Việt Nam.
Đây là một nội dung trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ của Dự án ESRT về nhiệm vụ xây dựng kế hoạch Marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn 2020. Tới dự hội thảo có các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo và cán bộ các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục, các chuyên gia Dự án ESRT.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Tổng cục Du lịch đang nỗ lực triển khai các hoạt động để thực hiện chiến lược này. Vấn đề xây dựng, thực hiện kế hoạch marketing và xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch Việt Nam là những nội dung rất quan trọng nhằm thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển theo định hướng chiến lược.
Tại hội thảo, đại biểu đã nghe các chuyên gia của Dự án ESRT trình bày các chuyên đề về kế hoạch marketing du lịch Việt Nam và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Chuyên gia Robert Travers cho rằng thị trường du lịch đang có những thay đổi đáng kể về hành vi, xu hướng và nhu cầu của khách du lịch, xu hướng cạnh tranh giữa các điểm đến quốc tế ngày càng gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch vẫn bị tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với đó là những bất ổn chính trị - xã hội, thiên tai dịch bệnh... trên toàn thế giới. Du lịch Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề bảo vệ môi trường du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, hạn chế trong kinh phí xúc tiến, quảng bá... Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng là những vận hội cho du lịch Việt Nam, bởi Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới, xu hướng tăng trưởng vẫn được duy trì, mong muốn hợp tác của các doanh nghiệp du lịch với Tổng cục Du lịch để thúc đẩy công tác xúc tiến, quảng bá... Do vậy, ông cho rằng trong bối cảnh này, du lịch Việt Nam cần tận dụng cơ hội, đổi mới phương thức xúc tiến, quảng bá, trong đó cần chú ý tới công tác nghiên cứu thị trường, tận dụng và huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư có trọng điểm trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, và đặc biệt là tận dụng thế mạnh của internet trong xúc tiến, quảng bá. Ông đánh giá ngày nay internet đã trở thành công cụ tìm kiếm thông tin hàng đầu của công chúng nói chung và khách du lịch nói riêng, và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong hoạt động du lịch.
|
Ông Florian Sengstschmid, chuyên gia của Dự án, cho rằng Việt Nam có thiên nhiên tươi đẹp với bờ biển dài trên 3.000km và hàng nghìn hòn đảo, những kỳ quan thiên nhiên thế giới như Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các danh thắng Sa Pa, Đà Lạt... các công viên quốc gia, khu bảo tồn, hệ sinh thái đa dạng... Cùng với đó là nền văn hóa phong phú, đa dạng cùng nhiều di sản văn hóa tầm quốc gia, quốc tế... Nhưng đây mới chỉ là tiềm năng, du lịch Việt Nam cần xây dựng được những sản phẩm du lịch tốt để tạo tiền đề cho thương hiệu du lịch tốt. Trên cơ sở thông điệp cốt lõi “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” (Viet Nam – Timeless charm), cần xây dựng các thông điệp cho từng loại hình sản phẩm đảm bảo tính nhất quán và tập trung quảng bá hiệu quả tới những đối tượng mục tiêu để họ có cảm nhận sâu đậm, ấn tượng về thương hiệu du lịch Việt Nam...
Sau phần thảo luận, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Thị Điệp đã phát biểu kết luận hội thảo, nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng nhất để có thương hiệu du lịch tốt là xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch có chất lượng tốt, làm hài lòng du khách. Công tác marketing nếu không đi kèm với chất lượng sản phẩm thậm chí sẽ mang lại tác dụng ngược. Cần tận dụng nhiều phương thức marketing khác nhau một cách hiệu quả trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, trong đó chú ý vai trò của internet, nghiên cứu nâng cấp, tái cấu trúc lại các website của Tổng cục Du lịch để góp phần tăng cường hiệu quả xúc tiến quảng bá; chú ý công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, cần tổ chức hội thảo ở quy mô rộng rãi hướng tới các đối tượng là các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành để tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp xây dựng cho kế hoạch marketing du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Truyền Phương