Bình Thuận ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch đến năm 2015
Cập nhật: 09/08/2012
UBND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Chương trình hành động Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về phát triển du lịch đến năm 2015. Trong đó, mục tiêu phấn đấu đưa doanh thu du lịch chạm mức 7.500 tỷ đồng được chú trọng.

Theo đó, việc phát triển du lịch phải được các sở, ngành và địa phương xác định là nhiệm vụ quan trọng, do vậy, song song với việc giữ vững thương hiệu du lịch Bình Thuận, toàn ngành còn phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về lượng khách duy trì ở mức trên 12%/năm. Từ nay đến năm 2015, địa phương nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu đón 4,5 triệu lượt khách (trong đó có khoảng 500.000 lượt khách quốc tế) và đưa doanh thu chạm mức 7.500 tỷ đồng.

Bình Thuận quy tụ đầy đủ các yếu tố khách quan cho phép phát triển hoàn chỉnh ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Nằm ở vị trí cực Nam của Tổ Quốc, bờ biển Bình Thuận từng chịu nhiều ảnh hưởng của các hoạt động kiến tạo, sơn tạo, tạo nên nhiều đảo, cù lao câu, vũng, vịnh,... cho ta những địa danh nổi tiếng như Cà Ná, Cù Lao Câu, bãi biển Đồi Dương-Thương Chánh, Rạng, Mũi Né-Hòn Rơm, Mũi Điện - Khe Gà, Đồi Dương, Hòn Bà, Ngảnh Tam Tân và còn nhiều danh lam thắng cảnh khác rải rác trên diện tích tự nhiên 7849km của Bình Thuận. Vị trí và điều kiện tự nhiên này góp phần tạo nên một vùng khí hậu tuyệt vời và hiếm có.

Bình Thuận còn có hệ sinh thái động, thực vật phong phú về chủng loại, có giá trị cao phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu; nhiều mỏ nước khoáng với lưu lượng khá lớn, độ nóng cao, có tiềm năng phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động sinh thái, nghỉ dưỡng, chữa bệnh như suối nước khoáng Vĩnh Hảo, Bưng Thị, Phong Điền.

Nơi đây cũng sở hữu nhiều cái nhất ở Việt Nam: resort-hotel nằm dọc biển nhiều nhất; đồi cát bay thay hình đổi dạng tự nhiên nhiều nhất, bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất, lễ hội nghinh ông lớn nhất, thương hiệu nước mắm đầu tiên của Việt Nam và còn là nơi bảo tồn, gìn giữ quần thể kiến trúc Chăm ngàn năm tuổi như tháp Poshanư.
 

                Loại hình trượt cát ở Mũi Né luôn hấp dẫn du khách

 

Thực tế, tốc độ tăng trưởng về doanh thu du lịch của tỉnh thời gian qua luôn là những con số ấn tượng “tăng dần đều”. Trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu du lịch của địa phương đã đạt 2.574 tỷ đồng, tăng 42,39% so cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, để duy trì doanh thu du lịch ở mức cao, từ nay đến năm 2015 còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Do vậy, thời gian qua, tỉnh đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực thu hút đầu tư nhằm phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch; tập trung ưu tiên những sản phẩm mang tính chất đặc trưng, tận dụng tối đa tài nguyên du lịch nổi bật của từng vùng, miền trong tỉnh; chú trọng khai thác lợi thế của loại hình du lịch biển, đảo, sông, hồ, đồi, núi… để làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách.

Riêng tại TP. Phan Thiết, tỉnh sẽ tập trung đầu tư để sớm được công nhận “Đô thị du lịch”, nâng cao chất lượng toàn diện khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, thực hiện tốt đề án “City tour”, triển khai dịch vụ đưa khách tham quan trên sông Cà Ty và ven biển Phan Thiết…

Chương trình hành động của UBND tỉnh cũng rất coi trọng công tác tuyên truyền như: yêu cầu cơ quan truyền thông tăng cường thời lượng, tần suất và nội dung phát sóng, đưa tin về vai trò, vị trí, ý nghĩa của việc phát triển du lịch địa phương. Vì vậy, mức doanh thu 7.500 tỷ đồng từ du lịch, Bình Thuận có khả năng thực hiện được.

CINET