Chỉ còn ít ngày nữa, Lễ hội đền Bảo Hà năm 2012 sẽ chính thức diễn ra, đến nay mọi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã được Ban quản lý đền và chính quyền địa phương khẩn trương hoàn tất.
Nằm cách thành phố Lào Cai 70km về phía nam, đền Bảo Hà, xã Bảo Hà (Bảo Yên) tọa lạc dưới chân đồi Cấm, có cảnh quan thiên nhiên “trên bến dưới thuyền”, soi bóng bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ở cửa ải Lào Cai. Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng quan. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện phía dưới. Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm châu Văn Bàn.
Theo sử sách chép lại, cuối đời nhà Lê (1740 - 1786), các châu Thuỷ Vĩ (Văn Bàn) và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hoá luôn bị giặc tràn sang cướp phá. Trước tình hình đó, triều đình cử danh tướng họ Nguyễn đưa đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc cỏ, giải phóng Khau Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng Hoàng Bảy đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ,… sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hoá (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Trong một trận đánh không cân sức với quân giặc, danh tướng Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Giặc bỏ xác ông xuống sông Hồng và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng vớt xác ông lên chôn cất và lập đền thờ. Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần Vệ Quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… địa phương thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc vùng Tây Bắc, ngày giỗ chính vào 17/7 âm lịch, cũng chính là ngày lễ hội đền Bảo Hà được diễn ra.
Đền Bảo Hà đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1997, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo cùng sự cung tiến của du khách thập phương, nay được hiện hữu uy linh gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Toà đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung công đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau, kiến trúc đơn giản không cầu kỳ. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Trang, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngà, Mẫu Thuỷ Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn. Theo thuyết phong thủy, đền có tiền án, hậu trảm, tả phù hữu bật, vị thế rất đẹp. Những năm gần đây, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương, chính quyền xã bảo Hà và Ban quản lý đền đã duy trì các hoạt động lễ hội đền Bảo Hà hàng năm vào ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 âm lịch), theo nghi thức truyền thống, đậm bản sắc dân tộc.
Ồng Phạm Văn Chiến, Trưởng Ban quản lý đền Bảo Hà cho biết: Lễ hội đền Bảo Hà năm nay, các hoạt động phần lễ và phần hội có sự khác biệt so với mọi năm, đó là: tất cả các thôn, bản của xã Bảo Hà đều có kiệu lễ; học sinh THCS mặc đồng phục quàng khăn đỏ đi sau; chính quyền xã năm nay còn tổ chức hội chọi trâu để đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng và phục vụ du khách. Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị như: kịch bản lễ hội, trang thiết bị, kiệu, cờ lọng, địa điểm, tập duyệt cho phần lễ và phần hội... để phục vụ lễ hội đã cơ bản được hoàn tất. Các đơn vị chức năng đã họp thống nhất phương án, kế hoạch để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, ngăn ngừa tội phạm... với mong muốn phục vụ nhân dân và du khách tốt nhất trong dịp này.