Hội thảo gắn kết Công ước 1972 với chương trình con người và sinh quyển
Cập nhật: 14/09/2012
(TITC) - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới (1972-2012), trong hai ngày 11 và 12/9, tại khách sạn Hoàng Sơn (TP. Ninh Bình), UBND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Trung tâm Di sản thế giới UNESCO tổ chức Hội thảo "Công ước 1972 và phát triển bền vững: Gắn kết Công ước 1972 với chương trình con người và sinh quyển”.

Hội thảo nhằm khuyến nghị các quốc gia thành viên của UNESCO lên kế hoạch bảo vệ lâu dài và phát huy những giá trị của di sản gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng phát biểu tại hội thảo (Nguồn ảnh: Internet)

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn; Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Cao Phong; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng; Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới UNESCO Kishore Rao; đại diện Uỷ ban Quốc gia UNESCO các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản; đại diện các khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới…

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Cao Phong nhấn mạnh, từ khi ra đời đến nay, Công ước UNESCO 1972 đã chứng tỏ là một trong những Công ước quốc tế có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hoá, thiên nhiên. Công ước đã phản ánh nhu cầu của nhiều khu di sản khác nhau trong việc gắn kết công tác bảo tồn di sản văn hoá thiên nhiên với nhu cầu phát triển của cộng đồng dân cư.

Thay mặt tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cũng khẳng định hội thảo là cơ hội để chính quyền và nhân dân Ninh Bình nâng cao hiểu biết về giá trị, ý nghĩa của Công ước 1972, vai trò vị thế của Tổ chức UNESCO cũng như việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên ở Ninh Bình.

Hội thảo được chia thành 3 phiên họp. Phiên đầu tiên bàn về vấn đề “Công ước di sản thế giới với phát triển bền vững và sự tham gia của cộng đồng”; phiên thứ hai hướng tới “Sự gắn kết Công ước 1972 với chương trình con người và sinh quyển (MAB)”, “Chia sẻ kiến thức thực tế về quản lý di sản: những cơ hội và thách thức”; phiên thứ ba có nội dung “Các vấn đề khác và thông qua tuyên bố, các khuyến nghị của hội thảo”.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất ra Tuyên bố Ninh Bình tập trung vào các vấn đề như: vai trò và trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương và quyền lợi của họ trong quản lý và khai thác các di sản được UNESCO công nhận; kêu gọi và khuyến khích thế hệ trẻ tham gia bảo vệ di sản thông qua chương trình giáo dục và tiếp cận cộng đồng để nâng cao sự hiểu biết của họ về môi trường; các vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai để sẵn sàng ứng phó và giảm thiểu tác hại; lập Mạng lưới Xanh (Green Network) - kết nối các khu di sản, sinh quyển và công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Ðông Nam Á được UNESCO công nhận nhằm bảo tồn các giá trị thiên nhiên và văn hóa, hướng tới phát triển bền vững…, đặc biệt là tập trung mọi nguồn lực để tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản và các khu dự trữ sinh quyển thế giới nhưng phải bảo đảm sự liên kết của luật pháp các quốc gia với các Công ước của UNESCO.

Thông qua hội thảo, Việt Nam đã có thêm những kinh nghiệm quý báu về lý luận cũng như thực tiễn, từ đó có thể đưa ra những kiến nghị cụ thể trong hợp tác phát triển và khai thác tiềm năng, giá trị của các di sản, khu sinh quyển và công viên địa chất trong thời gian tới.

Trong bối cảnh các di sản văn hóa và thiên nhiên đang đứng trước nguy cơ bị xuống cấp nghiêm trọng bởi thiên nhiên và con người, ngày 16/11/1972, UNESCO đã thông qua Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nhằm điều chỉnh các hoạt động về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đồng thời góp phần quảng bá để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư. Việt Nam tham gia Công ước vào năm 1987. Đến nay đã có 192 quốc gia trên thế giới tham gia Công ước.


 

                                                                                                                              Thanh Hải