Với một địa phương có bãi biển đẹp, lại có di sản thiên nhiên thế giới cùng nhiều danh thắng... thì không thể không nói du lịch là thế mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thế nhưng, để du lịch thực sự mạnh, là ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc tạo dựng cơ sở hạ tầng tương xứng...
Có lẽ hạ tầng phục vụ du lịch tạm chia làm hai loại, hạ tầng giao thông và hạ tầng trực tiếp phục vụ du lịch. Về giao thông, có thể khẳng định rằng, du khách đến Quảng Bình với cả 3 loại hình giao thông: đường sắt, đường bộ, đường không và loại hình giao thông nào cũng thuộc hạng "thượng hạng". Về đường bộ, trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, hệ thống đường giao thông đã được nâng cấp và mở thêm nhiều tuyến.
|
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng nhộn nhịp
|
Quốc lộ 1A được nâng cấp và đưa vào sử dụng từ năm 1998; năm 2001 thêm tuyến đường Hồ Chí Minh với hai nhánh đông và tây chạy suốt chiều dài của tỉnh. Quốc lộ 12A được nâng cấp trong mấy năm gần đây qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, nối liền với nước bạn Lào và vùng đông-bắc Thái Lan, sẽ là tuyến đón du khách những nước trong khu vực Đông Nam Á bằng đường bộ.
Cùng với các tuyến quốc lộ huyết mạch, nhiều tuyến đường nội tỉnh cũng được đầu tư mới, nâng cấp như đường 10, 20, 11, 16... để du khách có thể đến được một cách thuận tiện với hầu hết các điểm du lịch trong tỉnh bằng xe cơ giới. Về đường sắt, Quảng Bình có ga Đồng Hới, ga lớn trên tuyến đường sắt bắc-nam, dừng đỗ hầu hết các chuyến tàu khách xuyên Việt sẽ là một tuyến giao thông vô cùng thuận tiện cho du khách mọi miền đất nước đến Đồng Hới. Năm 2008 được khắc dấu ấn vào lịch sử giao thông Quảng Bình khi những chuyến bay đầu tiên được bay lên từ Đồng Hới để đến với Thủ đô Hà Nội và sau đó là vào thành phố mang tên Bác. Quảng Bình đã gần lại trong tầm du ngoạn của du khách 4 phương.
Những điểm đến như Phong Nha-Kẻ Bàng, lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bãi biển Nhật Lệ, hang 8 TNXP trên đường 20 Quyết Thắng... đã không còn xa vời với những người yêu mến thiên nhiên và văn hoá, lịch sử Quảng Bình. Và cùng với những loại hình giao thông trên là hệ thống cảng biển đã được xây dựng đưa vào hoạt động nhằm mở ra một loại hình giao thông nữa phục vụ du khách trong tương lai là đường biển.
Cùng với hạ tầng "vĩ mô", cơ sở hạ tầng "vi mô" phục vụ du lịch cũng được tỉnh quan tâm xây dựng. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các cơ sở du lịch trong tỉnh đã được xây dựng, nâng cấp tạo nên vóc dáng những địa chỉ du lịch có tầm vóc quốc gia, quốc tế. Đó là động Phong Nha, động Thiên Đường, đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh trên đường 20 Quyết thắng, hang 8 TNXP... Bên cạnh đó, trong những năm, qua cơ sở lưu trú du lịch không ngừng phát triển. Nếu năm 2000 mới có 22 cơ sở lưu trú với 446 buồng và 1.023 giường thì đến năm 2011 con số tương ứng là 192, 2.900 và 6.000.
Công suất sử dụng buồng cũng đạt tỷ lệ khá. Nếu năm 2000 ít có khách sạn nào đạt tiêu chuẩn "sao" thì nay đã có 2 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 2 sao và 10 khách sạn 1 sao... Những khách sạn mang tầm vóc quốc gia, quốc tế như Sun Spa Resort-Bảo Ninh của Tập đoàn Trường Thịnh, khách sạn Sài Gòn- Quảng Bình của Công ty CP Du lịch Quảng Bình- Sài Gòn, khách sạn Tân Bình của Doanh Nghiệp Tư Nhân Tân Bình... khiến du lịch Quảng Bình sánh ngang với các trung tâm lớn của đất nước.
Những cơ sở hạ tầng cả "vĩ mô" và "vi mô" đã góp phần tạo bước tiến đáng kể cho du lịch tỉnh những năm qua.Trước hết, lượng khách du lịch có bước tăng khá, nếu năm 2005 lượng du khách mới chỉ đạt 527.000 lượt thì năm 2011 là gần 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 18.000 lượt; 5 tháng đầu năm 2012 đã thu hút khoảng 400 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 9.300 lượt. Đi đôi với lượng khách, doanh thu du lịch cũng đã có những bước tiến đáng kể, năm 2005 chỉ đạt 57 tỷ đồng thì năm 2011 là 424 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2012 là 463 tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, du lịch Quảng Bình đang phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Một trong những nguyên nhân khiến thực trạng trên xảy ra là những hạn chế trong việc thiết lập các thiết chế du lịch mà cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng.
Theo điều tra của Sở VHTTDL tỉnh, khách sạn được xếp hạng "sao" chiếm tỷ lệ quá thấp, chỉ khoảng 12- 15%. Một tỷ lệ rất lớn (khoảng 75%) cơ sở lưu trú hiện nay do tư nhân đầu tư có quy mô nhỏ, các dịch vụ du lịch đơn điệu, chưa chuyên nghiệp.... Trong khi du khách ngày càng cần dịch vụ du lịch chu đáo, sản phẩm du lịch khẳng định nét văn hóa đặc trưng của tỉnh...
Ngoài ra, hệ thống thông tin, biển báo hướng dẫn du lịch Quảng Bình cho du khách vẫn còn hạn chế. Đa phần du khách chưa biết đến du lịch Quảng Bình, thậm chí khi họ đi qua địa bàn tỉnh cũng khó hình dung ra du lịch Quảng Bình là gì. Đây cũng là một nhược điểm cần được khắc phục bằng cách xây dựng những cụm pa-nô, áp phích quảng bá du lịch tỉnh ở những điểm nhạy cảm để du khách dễ tiếp cận như bến tàu, bến xe, cảng hàng không, trên các tuyến giao thông bắc- nam và cả ở các tỉnh bạn, các trung tâm lớn của đất nước...
Để hạ tầng du lịch Quảng Bình phát triển đồng bộ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, cần thiết có sự quan tâm, đầu tư hợp tác của các cơ quan quản lý về du lịch, các đơn vị chức năng liên quan.