Tiềm năng và hướng đi cho du lịch Hưng Yên
Cập nhật: 02/10/2012
Là một tỉnh của đồng bằng Bắc Bộ nên Hưng Yên cũng mang trong mình những nét đặc trưng về dân cư và văn hóa với cây đa, giếng nước, sân đình, những triền đê quanh co bao quanh những xóm làng.

Mặc dù là tỉnh đồng bằng thuần nhất không có biển, không có núi như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước song Hưng Yên vẫn có những thế mạnh du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh.

Điểm du lịch văn hóa tâm linh đầu tiên phải kể đến đó là khu Phố Hiến cổ. Từ thời Lê Cảnh Hưng (khoảng thế kỷ 16 - 17), Phố Hiến từng là thương cảng lớn nhất của Đàng Ngoài với sức mạnh về kinh tế. Văn hoá Hưng Yên được ví "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến", tàu buôn của các nước châu Âu, châu Á cập cảng tấp nập vào ra. Song do sự chuyển dòng của sông Hồng, Phố Hiến dần đánh mất đi vị thế là một trong những thương cảng lớn của cả nước. Tuy nhiên Phố Hiến xưa vẫn còn lưu giữ được những di tích lịch sử văn hóa hết sức tiêu biểu với Văn Miếu, đền Mẫu, chùa Chuông, chùa Hiến… góp phần hình thành nên hình ảnh thành phố Hưng Yên hiện đại nhưng vẫn lưu giữ những giá trị nhân văn sâu sắc.

Hiện nay Hưng Yên còn lưu giữ được 1210 di tích lịch sử trong đó có 159 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, tiêu biểu như: dãy phố cổ, giếng cổ, nhà thờ cổ, đền, đình, chùa, mang đậm kiến trúc của người Hoa… kết nối với trung tâm thành phố Hưng Yên. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của đô thị cổ Phố Hiến đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chính là tiền đề để Hưng Yên phát huy giá trị lịch sử, tiềm năng du lịch.
 

            Lễ hội Chử Đồng Tử (huyện Khoái Châu)

Ngoài ra, Hưng Yên còn lưu giữ những giá trị du lịch văn hóa phi vật thể khá to lớn như các lễ hội truyền thống tiêu biểu như lễ hội Đa Hòa – Dạ Trạch, các lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, lễ hội đền đậu An, đền Ủng…, những làn điệu truyền thống như hát chèo, hát ả đào, hát trống quân; du lịch sinh thái đồng bằng Bắc Bộ với những vườn nhãn, vườn hoa, cây cảnh, các làng nghề truyền thống như đúc đồng Văn Lâm, tương Bần, hương xạ Cao Thôn,…

Với những tiềm năng du lịch to lớn, nếu được quan tâm và đầu tư có chiều sâu, trọng tâm hơn thì chắc chắn du lịch sẽ cất cánh và có vị thế nhất định trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Một trong những hướng đi để phát triển du lịch Hưng Yên là cần thực hiện chi tiết các hạng mục trong qui hoạch phát triển du lịch chung đã được Chính phủ, Ủy Ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Hưng Yên cần khôi phục thành công khu Phố Hiến cổ giống như phố cổ Hội An, như vậy sẽ tạo bước đột phá lớn cho ngành du lịch tỉnh, du khách sẽ có dịp thấy lại một Phố Hiến xưa sầm uất “trên bến dưới thuyền”.

Tiếp đến là kêu gọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào cơ sở hạ tầng du lịch như xây dựng cảng sông Hồng quy mô hơn (bởi với vị thế của Hưng Yên rất thuận lợi cho việc phát triển tuyến du lịch dọc sông Hồng bằng đường thủy như tuyến Hà Nội – Bát Tràng – Đa Hòa, Hà Nội – Đa Hòa – Đền Mẫu, Đền Trần), cần nâng cấp và xây dựng thêm hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, khu mua sắm, ẩm thực có qui mô lớn, các phương tiện giao thông công cộng cũng cần được đầu tư như các tuyến xe bus nội tỉnh phục vụ du khách được thuận tiện. Bên cạnh đó Hưng Yên cần chú trọng hơn nữa vào việc khôi phục các làng nghề truyền thống mà nay đã dần mai một như làng nghề đan lờ, đó Thủ Sỹ; làng nghề gốm sứ Xuân Quan (huyện Văn Giang), làng nghề mây tre đan Đình Cao (Phù Cừ), phục dựng các hội làng, quảng bá những đặc sản của địa phương như hạt sen, long nhãn, mật ong,….và đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân về giá trị kinh tế xã hội mà du lịch mang lại cũng như đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho du lịch.

Để Hưng Yên trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn trong mắt du khách, cần sự quan tâm, hợp tác nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

www.hungyentourism.com.vn