Lễ hội cầu Trăng - nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày
Cập nhật: 02/10/2012
(TITC) - Nằm ở khu vực Đông Bắc Việt Nam, Hà Giang có diện tích tự nhiên 7.945,8 km². Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ (Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Tây Côn Lĩnh, đèo Mã Pí Lèng, cổng trời Quản Bạ)…, nơi đây còn chứa đựng kho tàng văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Mông, Dao, Thái, Lô Lô, Hoa, Pà Thẻn… Một trong những nét văn hóa độc đáo, mang đậm sắc màu văn hóa tâm linh ở Hà Giang là lễ hội cầu Trăng của dân tộc Tày (hay còn gọi là dân tộc Pa dí, Ngạn, Phén, Thu Lao).
Nguồn ảnh: Internet

Đồng bào Tày cư trú rải rác trên khắp địa bàn tỉnh Hà Giang nhưng tập trung đông nhất ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quản Bạ, với hơn 168.719 người, chiếm 23,3 % dân số toàn tỉnh. Họ sinh sống chủ yếu dựa vào trồng trọt (lúa, ngô, khoai, sắn), chăn nuôi, hái lượm, làm các sản phẩm thủ công truyền thống.

Trong đời sống thường ngày, người Tày quan niệm trên cung Trăng có mẹ Trăng cùng các con gái là 12 nàng tiên luôn ban phước cho họ sức khỏe, gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu. Vì vậy, theo thông lệ hàng năm, cứ đến rằm tháng 8, 9 và 10 âm lịch, người Tày lại mở hội cầu Trăng với ý nghĩa đón mẹ Trăng cùng các nàng tiên xuống chia vui về thành quả đạt được sau một năm làm lụng vất vả và ban cho họ nhiều may mắn trong năm tới.

Lễ hội cầu Trăng gồm hai phần. Phần lễ thường được tổ chức vào đêm 14/8 âm lịch với các nghi thức như: lễ cúng thổ công, thần linh, chúa bản xin mở hội đón Trăng; lễ dâng hương, sản vật ngon (ngũ quả, đầu lợn, gà, vịt, xôi, rượu, bánh làm từ ngũ cốc) mời mẹ Trăng cùng các nàng tiên; lễ tế thần Mặt trăng và nàng Chổi; lễ cầu phúc, cầu may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi…

          Hát Then dân tộc Tày (Nguồn ảnh: Internet)

Mở đầu phần hội là các màn múa vòng quanh bàn lễ đặt ngoài Trời. Tiếp đến, dân bản thi nấu các món ẩm thực truyền thống (cơm lam, xôi ngũ sắc, mắm thịt lợn, mắm cá chép, trám muối, măng muối, trám đen chấm với muối vừng, các loại rau rừng...); chơi các trò chơi dân gian; quây quần ngồi uống rượu, thưởng thức các món ẩm thực vừa chế biến. Hòa quyện vào men rượu thơm nồng, ngây ngất, họ cùng nhau múa, hát (hát Then, hát Cọi, múa Then, múa lăn đàn tính,…) với giai điệu mượt mà, đằm thắm, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi…

Kết thúc lễ hội, cả bản tiến hành lễ tiễn mẹ Trăng và các nàng tiên về trời; đồng thời già làng sẽ phát cho mỗi gia đình vài hạt giống với mong ước tất cả dân bản sẽ có một mùa vụ mới thuận lợi, bội thu.

Định hướng phát triển du lịch Hà Giang trong những năm tới chú trọng đến bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Với ý nghĩa lớn cùng nội dung mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày, lễ hội cầu Trăng là một trong những điểm nhấn văn hóa đặc sắc để Hà Giang quảng bá tới du khách.


                                                                                               Thanh Hải