Vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội
Cập nhật: 09/10/2012
(TITC) - Ngày 7/10/2012, tại Hà Nội, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học thực tiễn với chủ đề: “Vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội".

Tham dự hội thảo có đại diện Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Sở VHTTDL Hà Nội, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cùng nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu di sản văn hóa và các phóng viên báo chí.
Thủ đô Hà Nội hiện có 5.175 di tích lịch sử, văn hóa phân bố trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã. Trong đó 1.165 di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và hơn 1.000 di tích được xếp hạng di tích cấp thành phố. Đặc biệt, Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (31/7/2010) và mới đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch trở thành công viên văn hóa lịch sử nhằm thể hiện ý nghĩa lịch sử tồn tại và phát triển liên tục hơn 1.300 năm.

Tuy nhiên, một số di sản văn hóa ở Thủ đô đang đứng trước thực trạng bị xuống cấp, cần phải tu bổ, sửa chữa. Việc trùng tu di tích chưa đúng quy trình ở một số khu vực trên địa bàn thành phố đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc khôi phục nét đẹp nguyên bản, cổ kính và ý nghĩa lịch sử của di sản. Điều này cho thấy, bên cạnh trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với các di sản văn hóa thì cộng đồng dân cư cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di sản. Nếu Nhà nước quản lý di sản tốt, mà nhân dân không phát huy hết vai trò của mình thì việc bảo vệ giá trị di sản sẽ đạt hiệu quả không cao. Như PGS - TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định: Vai trò của cộng đồng chỉ có thể phát huy tối ưu nếu cộng đồng tạo dựng và duy trì được sự đồng thuận cao nhất.

Trước vấn đề cấp bách này, hơn 30 tham luận và nhiều ý kiến đã được trình bày tại hội thảo với nội dung hướng dẫn cộng đồng dân cư – chủ thể của di sản văn hóa thay đổi phương thức tiếp cận di sản cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của xã hội, giúp họ hiểu rõ hơn vai trò của mình đối với nhiệm vụ giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa…

Thông qua hội thảo, Sở VHTTDL Hà Nội sẽ xây dựng những chính sách đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Thủ đô trong thời gian tới.


                                                                                                        Thanh Hải