Giá trị di sản -
Cập nhật: 22/10/2012
Với 16 di sản được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới, hơn 4 vạn di tích và danh lam thắng cảnh phong phú, khai thác giá trị di sản trong hoạt động du lịch vẫn luôn được khẳng định là quân “Át chủ bài” trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2012 ước đạt 4.853.155 lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng nhiều nhất là thị trường khách Hàn Quốc với 38,2%, tiếp đến là Malaysia tăng 25,4%, Nhật Bản tăng 24,5%, Thái Lan tăng 23,4%, Pháp tăng 8,1%. Điều đó đồng nghĩa với việc mức chi trả cho hoạt động du lịch của khách nước ngoài tại Việt Nam cũng tăng cao.

Kết quả khảo sát cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích khám phá những nét văn hóa độc đáo thông qua những chuyến tham quan thực tế tại các di sản, đặc biệt là các di sản thế giới tăng khá cao. Điều đó đã khẳng định vai trò của các di sản đối với sự phát triển của ngành du lịch.

Bởi vậy, các di sản thế giới tại Việt Nam luôn được đánh giá cao và được định hướng khai thác để phát triển trở thành các khu, điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, làm động lực cho sự phát triển du lịch của cả nước. Điển hình Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được xác định là không gian du lịch chủ yếu của Trung tâm du lịch Hải Phòng - Quảng Ninh, di sản văn hóa thế giới Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Mỹ Sơn được xác định là không gian du lịch chính ở vùng Bắc Trung Bộ và đặc biệt còn gắn với phát triển du lịch hành lang kinh tế Đông- Tây… Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, toàn bộ các khu di sản đều nằm trong khu du lịch quốc gia. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của các di sản trong khai thác giá trị du lịch Việt Nam hiện nay.

Theo một số chuyên gia du lịch “Hệ thống di sản là cơ sở để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Châu Á, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế quốc dân”.

Những con số thống kê sơ bộ thời gian qua tại các di sản thế giới đã phản ánh rõ ràng lượng khách du lịch tại các khu di sản tăng vọt ngay trong năm đầu tiên trở thành di sản thế giới và hàng năm lượng khách du lịch đều tăng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước. Lượng khách tham quan di sản tăng nhanh kéo theo sự phát triển nhanh chóng trực tiếp của ngành du lịch tại địa phương có di sản thế giới và gián tiếp là ngành du lịch trong phạm vi cả nước.

Quảng bá bản sắc Việt

Sau sự kiện Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản Thế giới, mới đây Bộ VHTTDL vừa có văn bản danh sách Di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016. Đây chính là chiếc “ chìa khóa vàng” để mở cánh cửa giới thiệu các di sản của Việt Nam tới khách du lịch nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng nguồn khách du lịch đến với dải đất hình chữ S. Vì vậy, năm 2012 hứa hẹn sẽ là năm thăng hoa của du lịch di sản, với khoảng hơn 30 hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội lớn mừng Năm Du lịch quốc gia được triển khai trên khắp cả nước. Đặc biệt nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế cũng sẽ được tập trung xây dựng trong năm 2012. Trong đó, phải kể đến những tour du lịch nối tuyến giữa các kinh đô cổ của Việt Nam, các di sản văn hóa khu vực Trung bộ với các điểm đến trong nước và khu vực.

Bên cạnh những di sản văn hóa vật thể, các di sản văn hóa phi vật thể cũng là một phần không thể thiếu với du khách khi tìm hiểu, tham quan dải đất hình chữ S, trong đó phải kể đến Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam ở Huế đã được UNESCO công nhận là kiệt tác Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2003; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại năm 2005.

Bên cạnh đó, du lịch giúp mở rộng giá trị của sản phẩm văn hóa. Nếu không có du lịch, bạn bè thế giới không thể biết đến Hà Nội với một ngàn năm lịch sử, không thể biết Hà Nội có chùa Một Cột, có đền Ngọc Sơn, có Văn Miếu Quốc Tử Giám… Nếu không có du lịch, sản phẩm văn hóa chỉ đơn thuần có giá trị lịch sử, nghệ thuật hay khoa học không thể một năm đóng góp một giá trị kinh tế nhất định cho nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, chính hoạt động du lịch giúp bảo tồn, duy trì lâu bền những giá trị văn hóa đang dần mai một hoặc bị phá hủy bởi thời gian, bởi sự lãng quên của người dân bản địa. Minh chứng rõ ràng rằng hàng năm chính quyền các cấp luôn dành một khoản kinh phí cho việc trùng tu, tôn tạo chùa chiền, các công trình điêu khắc, mỹ thuật,… tùy theo sức hấp dẫn du khách của điểm đến.

Khi di sản văn hóa và thiên nhiên trở thành di sản thế giới, nói theo cách của ngành thương nghiệp, giống như di sản được gắn một “thương hiệu” đặc biệt, hấp dẫn, đánh tiếng ra toàn thế giới. Đồng thời, khi một di sản được ghi vào Danh mục di sản thế giới cũng là nguồn động lực thôi thúc, lôi cuốn người dân trong nước đến với các di sản này. Trong thuyết minh của không ít nhân viên hướng dẫn du lịch ta thấy xuất hiện những câu cửa miệng như: “Đến Việt Nam mà không đến thăm di sản này, thưởng thức di sản kia thì chưa phải đã đến Việt Nam”… Điều đó càng khẳng định vẻ đẹp tiêu biểu cho đất nước của các di sản thế giới.

CINET