Liên kết phát triển du lịch Đồng bằng sông Hồng
Cập nhật: 24/10/2012
(TITC) - Thực hiện chương trình xúc tiến du lịch quốc gia năm 2012 và chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013, ngày 20/10/2012, tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng do Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND Tp. Hải Phòng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tại một số điểm thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng; đồng thời hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn.

 

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn; Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng Lê Khắc Nam; Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng Đoàn Duy Minh; Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam (nguyên Phó Tổng cục trưởng TCDL) Phạm Từ; cùng đại diện các vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Du lịch và các Sở VHTTDL thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; đại diện gần 100 doanh nghiệp du lịch cùng 30 hãng thông tấn báo chí Trung ương và địa phương. 

Tại hội nghị, các đại biểu đều chung quan điểm Đồng bằng sông Hồng là vùng đất rất giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển đảo, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh. Bên cạnh các danh lam thắng cảnh tiêu biểu như: Cúc Phương, Tam Cốc, Bích Động, Tràng An, Hương Sơn, Ba Vì, Tam Đảo…; các bãi biển nổi tiếng Đồ Sơn, Cát Bà, Hải Thịnh, Quất Lâm, Đồng Châu…, Đồng bằng sông Hồng còn là nơi chứa đựng các giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc thể hiện ở các khu di tích chùa Bái Đính, Hoa Lư, Cổ Loa, Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền Trần, Phủ Dày, phố Hiến, đền Hùng… hay các làng nghề truyền thống như lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông, gỗ Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ, gốm Bát Tràng… đặc biệt là các di sản thế giới đã được UNESCO công nhận như: vịnh Hạ Long, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, ca trù, quan họ Bắc Ninh, hát Xoan Phú Thọ, bia đá ghi các khoa thi tiến sĩ thời Hậu Lê và Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.  

Khảo sát khu du lịch sinh thái Tràng An - Ninh Bình

Tuy nhiên, để du lịch Đồng bằng sông Hồng phát triển tương xứng với tiềm năng, bên cạnh các giải pháp cần thiết như: đầu tư cơ sở hạ tầng, dự án du lịch; xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực du lịch… thì giải pháp liên kết vùng được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh. Theo đó, cần có sự liên kết chặt chẽ và hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cũng như doanh nghiệp, hiệp hội du lịch các địa phương nhằm xây dựng những sản phẩm mới, không trùng lặp, tạo được điểm nhấn ấn tượng với khách du lịch.  

Kết luận hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn và Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng Lê Khắc Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành; đồng thời khẳng định sẽ thúc đẩy việc liên kết phát triển du lịch vùng nhằm xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng phục vụ Năm du lịch Quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013.  

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tổng kết
hội nghị

Hội nghị liên kết phát triển du lịch Đồng bằng sông Hồng là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình khảo sát liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng do Tổng cục Du lịch phối hợp với các Sở VHTTDL Vĩnh Phúc, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Phòng tổ chức từ ngày 13 đến 20/10/2012. Chương trình khảo sát là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới đặc thù, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bài: Phạm Phương; Ảnh: Huy Hoàng