Vừa qua, tại thôn An Khoái (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội), chính quyền và nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử, văn hóa đình - chùa thôn An Khoái (cấp thành phố).
Theo những dấu tích vật chất và tư liệu thành văn hiện còn mà các nhà khoa học đã khẳng định, đình – chùa thôn An Khoái được hình thành từ thời hậu Lê thuộc tổng Tuyền Cam, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Trong đó, đình An Khoái là nơi thờ phụng thành hoàng làng- ngài “Tây nhạc linh thông cảm ứng đại vương”- vị thần bảo hộ cho dân làng trong cuộc sống. Đồng thời, đình An Khoái còn là một thiết chế tôn giáo, văn hóa, xã hội, hành chính của nhân dân trong làng.
Chùa An Khoái (tên tự là “Cổ Long tự”) được khởi dựng để thờ Phật theo phái Đại thừa. Đây là nơi gửi gắm niềm tin và ước vọng của nhân dân cầu mong một cuộc sống no đủ, bình an, đồng thời cũng là nơi giáo dục con người lòng từ bi, bác ái. Ngoài thờ Phật, chùa An Khoái còn thờ Mẫu, thờ Đức Thánh Trần, thờ Tổ... theo tín ngưỡng dân gian và thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng ngôi đình, ngôi chùa thôn An Khoái vẫn trường tồn và còn nguyên giá trị cho đến tận bây giờ.
Cùng với các quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận di tích lịch sử văn hóa đình – chùa thôn An Khoái, UBND thành phố còn có văn bản chỉ đạo UBND huyện Thanh Oai thành lập Ban quản lý di tích đình, chùa An Khoái nhằm gìn giữ, bảo tồn cho con cháu mai sau.