Lâm Đồng nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực
Cập nhật: 02/11/2012
Trước đây, lao động trong ngành Du lịch ở Lâm Đồng chỉ có khoảng 35- 45% qua đào tạo. Trong vòng 3 năm nay (2010-2012) tỉ lệ này tăng lên 60%, nhờ sự liên kết với Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin và 4 trường cao đẳng khác.

Ngành du lịch tỉnh đang phấn đấu đến năm 2015, có 85-90% nhân lực được qua đào tạo và có cấp chứng chỉ nghề. Yêu cầu của đào tạo là phải tạo ra nguồn nhân lực có năng lực làm việc thực sự, đào tạo nghiêng về thực hành chứ không chỉ trên lý thuyết. Mặc dù chỉ là đào tạo nghề ở bậc sơ cấp và trung cấp cho các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, nhưng giảng viên đều đã có sự trải nghiệm thực tế.

Theo thống kê năm 2011, toàn tỉnh có khoảng 8.000 lao động đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch; trong đó, có 5.500 lao động đang làm việc trong lĩnh vực lưu trú, 800 lao động trong lĩnh vực lữ hành - vận chuyển và 1.700 lao động trong các khu, điểm du lịch. Hiện Lâm Đồng có 6 trường đào tạo nhân lực cho ngành du lịch từ bậc công nhân lành nghề đến đại học, hàng năm cung cấp hơn 500 cử nhân và khoảng 1.500 lao động trung - sơ cấp. Nguồn nhân lực này tuy có kiến thức, có lý thuyết, nhưng vẫn phải huấn luyện về khả năng thích ứng với môi trường làm việc, quản trị chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ...

Tính đến cuối năm 2011, Lâm Đồng có 715 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số hơn 11.300 phòng, trong đó có 173 khách sạn từ 1 đến 5 sao với khoảng 5.200 phòng, bao gồm 19 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao với gần 1.600 phòng. Thành phố Đà Lạt chiếm trên 90% tổng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh và có 27 đơn vị kinh doanh lữ hành vận chuyển. Nhìn trên con số có thể thấy, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng cho lượng du khách bình dân, đi theo đoàn với nhu cầu dịch vụ giá thấp. Dù số lượng và chất lượng các dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao, như: nhà hàng, vũ trường, massage, sauna, karaoke, internet, cửa hàng bán hàng lưu niệm, tennis, hồ bơi, chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc tóc, thẩm mỹ, phục vụ hội nghị - hội thảo..., nhiều cơ sở lưu trú còn có dịch vụ lữ hành để tổ chức các tour du lịch phục vụ du khách.

Đà Lạt hiện nay đã và đang hình thành nhiều khu resort được xếp hạng với các dịch vụ cao cấp hướng đến đối tượng khách hàng biết lựa chọn, thưởng thức và đánh giá dịch vụ..., càng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. “Ngành Du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vị trí quan trọng trong các nhà hàng, khách sạn, khu resort...” (ông Lê Minh Sơn, Tổng Thư ký Edensee lake resort & spa khẳng định). Tuy nhiên, số lượng khách sạn 3-5 sao, resort cao cấp ở Đà Lạt chưa vượt qua con số 20, nên mở lớp đào tạo nhân sự cấp cao hoặc đào tạo các chức vụ quản lý du lịch thực sự chưa cấp thiết ở thời điểm này. Nhưng, những vị trí chủ chốt của các khách sạn, resort cao cấp như Sài Gòn - Đà Lạt, Minh Tâm, Sammy, Hoàng Anh Đất Xanh, La Sapinnet... đều là những người được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp bởi Tập đoàn Arccord (Pháp) từ những năm 1990.

Định hướng trong thời gian tới của ngành Du lịch Lâm Đồng là các đơn vị phải tự đào tạo kỹ năng cho nhân viên của mình. Mới đây, Công ty Phương Trang đã tổ chức đào tạo cho hơn 100 lái xe... Vấn đề đào tạo nhân lực được ngành du lịch đặc biệt quan tâm không phải là đi tắt đón đầu mà là giải quyết lỗ hổng do sự phát triển quá nhanh về số lượng của các cơ sở du lịch dẫn đến thiếu quy mô, thiếu kỹ năng, thiếu chiều sâu... Nhưng đây cũng là những nỗ lực để giữ gìn phong cách người Lâm Đồng nói chung, tạo dấu ấn cho ngành Du lịch Đà Lạt nói riêng và chuẩn bị nguồn nhân lực cho Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên 2014.

Báo Lâm Đồng