Đắk Lắk khảo sát xây dựng tuyến du lịch cộng đồng (homestay)
Cập nhật: 02/11/2012
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch Đắk Lắk, Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cùng các Sở, ngành gồm: Công An tỉnh Đắk Lắk, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Buôn Đôn, Công an huyện Buôn Đôn đã tổ chức khảo sát, xây dựng tuyến du lịch mới, loại hình du lịch cộng đồng (homestay) tại hai xã Ea Nôul và Ea Wer (huyện Buôn Đôn) nhằm làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương.
Đoàn khảo sát tại Buôn Tul A

Với xu thế phát triển du lịch trên thế giới hiện nay là hướng tới những khu vực có tiềm năng đặc sắc về mặt thiên nhiên và văn hoá. Chính vì thế, những tour du lịch đến những bản làng xa xôi được khách du lịch quốc tế ưa chuộng. Thị trường du lịch mới, lạ, những sản phẩm văn hoá, du lịch còn nguyên sơ đó là một thế mạnh của ngành du lịch Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng khi cạnh tranh với các nước trong khu vực. Du khách thích đi du lịch tới những bản, làng xa xôi, nơi có đồng bào các dân tộc sinh sống là vì cảnh quan ở đây còn hoang sơ, những phong tục tập quán của đồng bào còn được lưu truyền, chưa mai một trong cuộc sống hiện đại. Vì vậy chuyến khảo sát tại các buôn đồng bào dân tộc đang sinh sống, gắn với các điểm tham quan có điều kiện xây dựng, phát triển loại hình du lịch cộng đồng (homestay) để định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tạo sự cân đối trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của ngành du lịch. Bên cạnh đó, phát huy các tiềm năng, lợi thế hiện có nhằm phát triển các dịch vụ du lịch ổn định, bền vững và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tuyến, điểm tham quan du lịch nhằm thu hút nhiều hơn nữa các nguồn khách trong và ngoài nước đến với Đắk Lắk.

Qua chuyến khảo sát thực tế tại Buôn Tul A, Buôn Tul B (xã Ea Wer), Buôn trưởng Ma Kem cho biết, hai buôn hiện có 500 hộ chủ yếu là người Êđê và Lào sinh sống và một số hộ vẫn lưu giữ được nếp nhà sàn dài, các loại chiêng, chóe Tul và Tal các loại.... Tại buôn Kŏ Dung (xã Ea Nôul), Bí thư xã Ea Nôul, Ma Nông cho biết, buôn hiện có 145 hộ chủ yếu là đồng bào Ê đê sinh sống. Đặc biệt là tại buôn này còn giữ được bến nước, người dân trong buôn dùng các ống tre, nứa đã được chọc thông các mắt hứng từ mạch phát lộ và đưa dòng nước chảy tự nhiên ra ngoài để sinh hoạt hàng ngày. Xung quang bến nước vẫn còn nhiều cây rừng to để giữ nước và được coi như rừng thiêng của buôn làng, người ta thường phạt rất nặng những ai dám chặt cây hoặc làm ô nhiễm nguồn nước.

Cách buôn Kŏ Dung khoảng 3km là Vườn Trohbư (xã Ea Nôul). Hiện tại Trohbư là một khu vườn cảnh với những con đường đi dạo quanh co uốn lượn theo các triền dốc, bờ hồ. Ở đây có cả một bộ sưu tập phong phú và đa dạng về cây, cỏ, hoa và lan rừng; có những ngôi nhà nhỏ đơn sơ mang đậm sắc màu cổ tích; có những tiểu cảnh đẹp làm điểm nhấn. Đặc biệt, Trohbư mang đậm phong cách Tây Nguyên và rất "rừng" do phát triển từ khu rừng tái sinh trên mảnh đất vốn từng bị biến thành đồi trọc trong một thời gian dài bởi nạn phá rừng làm nương rẫy.

Để phát triển du lịch cộng đồng đạt hiệu quả trước hết các doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường, định hình sản phẩm và cùng với cộng đồng nghiên cứu tổ chức đầu tư phát triển sản phẩm; tổ chức quản lý khai thác và quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Để có sản phẩm du lịch đa dạng, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương cùng khai thác được các giá trị văn hoá bản địa, tạo được công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao được đời sống của cộng đồng và có ý nghĩa lớn trong xoá đói giảm nghèo. Để xây dựng tuyến du lịch cộng đồng (homestay) được thành công chúng ta phải quan tâm đến lợi ích cộng đồng đầu tiên, từ đó phát huy giá trị của văn hoá bản địa để xây dựng các chương trình du lịch độc đáo, hấp dẫn phục vụ du khách.

daktra.com.vn