Đây là một chủ trương của thành phố Hải Phòng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013.
Hiện thành phố Hải Phòng đang gấp rút chuẩn bị các hoạt động cho Năm Du lịch quốc gia 2013 do địa phương đăng cai. Trong đó, vấn đề sản phẩm du lịch chủ đạo được chú trọng, quan tâm đặc biệt.
Ông Đoàn Duy Linh - Giám đốc Sở VHTTDL Hải Phòng cho biết: Trước mắt, thành phố đang nâng cấp các sản phẩm, chương trình du lịch hiện có, song song với việc xây dựng mới các sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng.
“Hải Phòng khuyến khích các doanh nghiệp hình thành các nhóm sản phẩm gắn nhãn “Sản phẩm đặc biệt Năm Du lịch quốc gia 2013” – ông Linh cho hay.
Ông Linh cho biết, trong Năm Du lịch quốc gia, việc có sản phẩm mới đạt chất lượng là điều khó. Do đó, với thế mạnh rừng, biển, đảo, Hải Phòng sẽ tập trung cho các tour truyền thống bằng việc đầu tư xây dựng, phát triển các dịch vụ phụ trợ, mở rộng các điểm đến để làm mới lịch trình, trùng tu các điểm di tích lịch sử - văn hóa quan trọng để mở rộng phạm vi tham quan.
“Ví dụ như đầu tư sân goft, các điểm mua sắm cho các tour Đồ Sơn, dẫn khách đến những điểm đến mới mẻ như Pháo đài thần công ở Cát Bà – nơi có thể nhìn ngắm toàn bộ quần đảo như đang ngồi trên trực thăng ngắm cảnh, quy hoạch và quảng bá các món ăn đặc sản của Hải Phòng…”.
Tuyến đường đi Cát Bà cũng sẽ được nâng cấp nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng công suất vận chuyển khách, đảm bảo sự tiện lợi cho tour. Theo đó, các chuyến phà từ Đình Vũ đi Cát Bà sẽ được đầu tư để rút ngắn thời gian từ 2 tiếng đồng hồ xuống còn 1 tiếng rưỡi. Ngoài ra còn đầu tư mua mới một số tàu cao tốc.
Một tuyến đường khác cũng gấp rút hoàn thiện là tuyến 15km từ Hải Phòng đi Cát Hải với 10km đường bộ và 5km cầu vượt biển.
Ông Linh cũng tiết lộ về dự án quy hoạch sân bay Cát Bi với dự kiến hoàn thành vào năm 2015 với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ cho phép Cát Bi đón được các loại máy bay cỡ lớn với các đường bay quốc tế, đón khách quốc tế trực tiếp thay vì chỉ thực hiện các đường bay nội địa như hiện nay.
Năm Du lịch quốc gia 2013 sẽ có 3 nhóm hoạt động chính với 63 sự kiện. Trong đó có 23 sự kiện do Bộ VHTTDL chỉ đạo hoặc phối hợp tổ chức, 12 sự kiện do địa phương tổ chức và 32 sự kiện của các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Nhiều sự kiện mang quy mô quốc gia đáng chú ý như: Giải Sao Mai 2013, Triển lãm Ảnh nghệ thuật toàn quốc, Giải vô địch Judo trẻ toàn quốc, Liên hoan Ẩm thực đồng bằng sông Hồng, Giải Bóng chuyền nữ cúp VTV, Liên hoan Chèo toàn quốc… Cùng với các lễ hội mang tính dân gian truyền thống nổi tiếng tại địa phương như Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội làng cá Cát Bà…
Mục đích của Hải Phòng trong việc đăng cai hàng loạt sự kiện quan trọng mang tính quốc gia cũng như tập trung thu hút các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế là trở thành điểm đến của du lịch MICE trong tương lai.
“Hải Phòng có đầy đủ tiềm năng về cơ sở vật chất và dịch vụ để phát triển loại hình du lịch này” – ông Linh khẳng định.
Dự kiến, Hải Phòng sẽ quảng bá Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 tại một số quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Thái Lan. Đồng thời đã có 9 thành phố và một số tổ chức quốc tế nhận lời tham gia sự kiện này như: Brest – Pháp, Kitakyushu – Nhật Bản, Incheon – Hàn Quốc, Qeensland – Australia, Seatle – Hoa Kỳ, Vladivostock – Liên bang Nga, UNESCO, Tổ chức Xúc tiến du lịch Châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Hợp tác kinh tế vịnh Bắc bộ mở rộng…
Hải Phòng kỳ vọng các hoạt động quảng bá mạnh mẽ của Năm Du lịch quốc gia sẽ làm tăng lượng khách trên 10%, trong đó tăng trưởng mạnh nhóm khách nước ngoài. “Hiện khách nước ngoài đến Hải Phòng vẫn chiếm tỷ lệ hạn chế, trung bình chỉ đạt 400.000-500.000/3,6 triệu lượt khách mỗi năm” – ông Linh cho hay.
Tại cuộc họp báo giới thiệu chương trình Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013 tại Hà Nội, bà Nguyễn Nga – Chủ nhân Ngôi nhà Nghệ thuật, tác giả ý tưởng Nghệ thuật trên cầu Long Biên năm 2010 – góp ý: Hải Phòng cần một sản phẩm du lịch mang tính điểm nhấn để giữ chân du khách trong nội thành thay vì chỉ làm điểm trung chuyển để du khách ra Cát Bà và Hạ Long.
Bà Nga cho hay: “Trung tâm thành phố có quá nhiều tiềm năng hấp dẫn như những di tích lịch sử, kiến trúc, ẩm thực, đặc biệt là Nhà hát lớn Hải Phòng. Tại sao chúng ta không xây dựng một chương trình nghệ thuật quy mô định kỳ tại đây để du khách dừng lại, thưởng thức những tinh hoa văn hóa của thành phố, trước khi lên đường ra đảo?”.
Trước đó, bà Nguyễn Nga cũng đã trình lên Bộ VHTTDL và thành phố Hải Phòng đề án tour du lịch trên sông Hồng kết nối các địa phương với điểm dừng chân tại Hải Phòng bằng một chương trình nghệ thuật quy mô. Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng bày tỏ sự hoan nghênh đối với ý tưởng của bà Nga và cho biết sẵn sàng đón tiếp bà tại Hải Phòng để bàn bạc kỹ hơn về đề án này.