Đà Nẵng đưa tuồng đến với du khách
Cập nhật: 12/11/2012
Hơn 2 năm nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã trở thành địa chỉ khá quen thuộc của nhiều khách du lịch đến Đà Nẵng với chương trình Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Ít khách, vẫn diễn

Tối thứ ba, không khí Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh nhộn nhịp khác thường, sân khấu rực sáng, khu vực ghế ngồi hầu như kín chỗ. “Suất này có gần 200 khách nước ngoài, suất lúc 16 giờ có hơn 150 khách cũng là người nước ngoài, tháng 11 bắt đầu mùa cao điểm khách du lịch tàu biển rồi”, ông Trần Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết.

Ông Tuấn nói thêm: “Nhà hát đỏ đèn đều đặn các tối thứ tư và thứ bảy, nhưng nếu khách có nhu cầu, chúng tôi vẫn sẵn sàng diễn đột xuất như tối nay”. Ngoài Vitours là đơn vị lữ hành thường xuyên đưa du khách đến nhà hát, một số đơn vị khác như Saigontourist, Vungtau Tourist… cũng bắt đầu đặt tour này trong mùa du lịch tàu biển.

Thực tế, ở Đà Nẵng, chuyện diễn tuồng phục vụ khách du lịch đã có từ những năm 1990 nhưng chỉ mang tính chất nhỏ, lẻ. Đó là những buổi nghệ sĩ xuống tận tàu diễn các trích đoạn tuồng, lúc đi theo tour, khi diễn phục vụ các sự kiện lớn… Song, những người gắn bó và yêu quý tuồng luôn trăn trở làm sao có kế hoạch dài hơi để phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Từ tháng 5-2010, với kinh phí hỗ trợ của thành phố, các đêm diễn phục vụ khách du lịch hàng tuần được tổ chức bài bản. Nhưng cả những người tổ chức lẫn các đơn vị lữ hành lúc đó đều lo ngại khả năng thu hút khách và việc duy trì chương trình ổn định, lâu dài, mặc dù mục đích đặt ra chỉ là tạo được điểm đến cho du khách, chứ chưa nói tới việc làm sao để sân khấu nhà hát sáng đèn thường xuyên.

Thế rồi những lo ngại trên cũng qua đi. Những đêm diễn đầu tiên đã để lại ấn tượng sâu sắc với du khách và các chương trình cứ thế được duy trì suốt hơn 2 năm nay với sự nỗ lực của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, các đơn vị nghệ thuật khác trên địa bàn thành phố và Sở VHTTDL thành phố. Nhiều khách nước ngoài đã bày tỏ sự thích thú về âm nhạc, trang phục và trình thức của nghệ thuật tuồng. Khán phòng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã vang lên những tiếng vỗ tay giòn giã sau mỗi tiết mục.

Thời gian gần đây, Nhà hát tuồng còn mở rộng đối tượng phục vụ bằng việc phát vé mời đến các trung tâm bảo trợ trẻ em nghèo bất hạnh, trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ, các trường Đại học và Cao đẳng trên địa bàn thành phố. Đây được coi là động thái để vừa thu hút người trẻ đến với tuồng, vừa tránh lãng phí trong những mùa du lịch thấp điểm, như tháng 9, tháng 10 vừa qua.

Nỗ lực gìn giữ tuồng

Từ khi có chương trình Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam phục vụ khách du lịch, không khí làm việc của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khác hẳn, diễn viên hào hứng hơn, các trích đoạn tuồng cổ được đào sâu hơn, diễn xuất của các diễn viên cũng được nâng cao hơn. Các diễn viên, nhạc công của nhà hát không chỉ diễn để thỏa mãn đam mê của bản thân mà còn diễn với trách nhiệm và niềm tự hào mang bản sắc văn hóa của vùng đất, của dân tộc để giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Đánh giá về tour xem tuồng ở Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng Phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours nói rằng, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh luôn là điểm đến thường xuyên đối với khách của Vitours. Song hiện nay, ngoài lượng khách du lịch được công ty chủ động đưa đến nhà hát vào các tối thứ tư và thứ bảy, thì một bộ phận khác có xu hướng thích thuê các đoàn nghệ thuật lưu động đang hoạt động trên địa bàn thành phố biểu diễn phục vụ tận nơi, vì cách làm này giúp họ có thể chủ động thời gian, đặc biệt là với những chuyến du lịch ngắn ngày. “Khách du lịch luôn hứng thú với các loại hình nghệ thuật truyền thống khi đến bất kỳ địa phương nào. Nhưng để đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của khách, chúng ta có thể lưu ý thêm tính linh động của chương trình”, ông Tùng đề xuất.

Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn chia sẻ, Nhà hát tuồng cũng đã và đang lưu ý vấn đề phục vụ tận nơi cho du khách. Chẳng hạn như, nhà hát vẫn có những buổi xuống tàu biểu diễn khi khách yêu cầu. Tuy nhiên, điều cốt yếu là tạo ra điểm phục vụ tại chỗ hàng tuần và trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc của Đà Nẵng. “Chúng ta biểu diễn phục vụ du lịch nhưng không nên quá đà chạy theo doanh thu, không có tiền thì rất khó để làm nghệ thuật, nhưng nghệ thuật vì tiền thì sớm muộn sẽ dần xa rời giá trị đích thực của nó”, ông Tuấn nói. Vì vậy, vấn đề điều tiết sao cho vừa phải, bảo đảm tính hấp dẫn, bền vững của chương trình tuồng phục vụ du lịch, giữ được cái gốc của tuồng, cái gốc của các loại hình nghệ thuật truyền thống là điều mà đội ngũ lãnh đạo cũng như diễn viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh luôn trăn trở.

Chương trình Biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được duy trì vào tối thứ tư và thứ bảy hàng tuần. Mỗi chương trình thường kéo dài từ 45 - 60 phút, do đoàn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phối hợp với các đơn vị nghệ thuật khác trên địa bàn thành phố biểu diễn. Song, bao giờ các trích đoạn tuồng cổ, đậm bản sắc xứ Quảng cũng đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó là các tiết mục múa dân gian như: bức tranh quê, múa Apsara, độc tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn thời trang Việt…

 

Báo Đà Nẵng
Từ khóa:
Đà Nẵng, tuồng,