Hà Nội có nhiều di sản văn hóa quý báu, là lợi thế để phát triển du lịch, nhưng nhiều năm nay việc khai thác di sản để phục vụ hoạt động du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Quy hoạch phát triển du lịch của TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, cần đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch khác, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.
Trong các nguồn "tài nguyên" du lịch của Hà Nội, di sản văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng. Hà Nội có 5.175 di tích văn hóa lịch sử, trong đó có 1.050 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, Hà Nội có những di tích đặc biệt quan trọng như: Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, khu phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thành Cổ Loa... Thành phố còn có nhiều di tích lịch sử có kiến trúc đẹp như: chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trăm Gian, đình Mông Phụ, đình Tây Ðằng, đình Chu Quyến... và 1.350 làng nghề.
Về di sản văn hóa phi vật thể, Hà Nội là nơi có nhiều lễ hội tiêu biểu. Lễ hội Thánh Gióng ở Cổ Loa đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Những loại hình nghệ thuật như: ca trù, chèo, hát xẩm, múa rối nước... cũng là những đặc trưng của văn hóa Hà Nội.
Các sản phẩm du lịch chủ yếu của Hà Nội hiện nay gồm: tham quan di tích văn hóa, lịch sử; tham quan, mua sắm tại các làng nghề; du lịch lễ hội; du lịch ẩm thực; du lịch hội thảo, hội nghị; du lịch nghỉ dưỡng... Tuy nhiên, việc khai thác những di sản văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các tour du lịch trên địa bàn thành phố chưa thật sự hấp dẫn. Du lịch đến các làng nghề là một thí dụ điển hình. Thành phố có gần 200 làng nghề truyền thống, nhưng chỉ có hai làng nghề thường xuyên có khách du lịch đến tham quan là làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc. Khu phố cổ hiện chỉ có hai sản phẩm du lịch chính là dạo chợ đêm và đi xe điện vòng quanh phố cổ. Hai sản phẩm này chưa khai thác hết những giá trị của khu phố với chiều sâu lịch sử, văn hóa được bồi đắp qua hàng nghìn năm. Về khai thác di sản phi vật thể, hiện duy nhất chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long thường xuyên đón khách du lịch. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác như ca trù, rối nước... mặc dù có chương trình phục vụ khách du lịch, nhưng hầu hết còn gặp khó khăn.
Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng khách du lịch đến Thủ đô ngày càng tăng, tuy nhiên, vẫn chưa được như mong muốn. Năm 2000, Hà Nội đón 3,79 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chỉ đạt 56 nghìn lượt, khách du lịch trong nước là 3,23 triệu lượt. Năm 2010, thành phố đón 12,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 1,7 triệu lượt. Năm 2011 đón 13,55 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,89 triệu lượt khách quốc tế.
Quy hoạch phát triển Du lịch trong thời gian tới, TP Hà Nội coi di sản là tài nguyên du lịch quý báu, là đặc trưng nhất của Hà Nội. Trên cơ sở đó, Hà Nội đầu tư sáu cụm du lịch trọng điểm, với trọng tâm phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội... Cụm Du lịch trung tâm thành phố sẽ phát triển du lịch ngắm cảnh, với các di tích lịch sử - văn hóa như: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận. Cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì có điểm nhấn là làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, làng Việt cổ Ðường Lâm, các di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh... Cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn khai thác du lịch tâm linh gắn với chùa Hương và du lịch đến các làng nghề truyền thống. Ở khu vực phía bắc, cụm du lịch đền Sóc - hồ Ðồng Quan và Cụm du lịch Vân Trì - Cổ Loa, sẽ tập trung khai thác hệ thống di tích, di sản như đền Sóc, thành Cổ Loa (ngoài ra, còn xây dựng thêm một số khu du lịch sinh thái). Cụm du lịch Hà Ðông và vùng phụ cận tập trung khai thác thế mạnh du lịch của các làng nghề như lụa Vạn Phúc; mây tre Phú Vinh, mộc Vạn Ðiểm, khảm Chuyên Mỹ...
Ngoài sáu cụm du lịch trọng điểm, Hà Nội sẽ đầu tư phát triển hai vành đai du lịch trên cơ sở khai thác tiềm năng du lịch ven sông Hồng, sông Ðáy. Tuyến sông Hồng sẽ khai thác loại hình du lịch tâm linh đến đền Ðại Lộ, bãi Tự Nhiên, làng gốm Bát Tràng hay du lịch sinh thái ven sông tại các huyện: Sơn Tây, Phúc Thọ, Gia Lâm, Ðông Anh, Thường Tín... Tuyến sông Ðáy sẽ khai thác các di tích lịch sử như đền Hát Môn, chùa Thầy, chùa Trăm Gian; các làng cổ, làng nghề truyền thống... Các cụm du lịch này sẽ kết hợp với loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm...
Ðể tạo điều kiện phát triển du lịch, thành phố đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông đến các vùng du lịch trọng điểm; tăng cường công tác bảo vệ môi trường; xây dựng mạng lưới thương mại... Riêng lĩnh vực du lịch, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 thu hút 31,3 triệu lượt khách, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế, Hà Nội dự kiến đến năm 2030 sẽ đầu tư gần 17,54 tỷ USD cho du lịch (tương đương 368 nghìn tỷ đồng). Thành phố sẽ kết hợp giữa sử dụng ngân sách nhà nước (chiếm khoảng 5%), cùng với khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch. Dự kiến 85% số vốn này sẽ được dành để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch - điểm yếu của du lịch Hà Nội lâu nay.
Hướng đầu tư được xác định là đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nhằm khai thác lợi thế văn hóa, sinh thái, nhân văn của Thủ đô; cân đối đầu tư giữa phát triển du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố ưu tiên đầu tư những dự án lớn như: công viên văn hóa lịch sử Hoàng Thành - Thăng Long; mở rộng không gian tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ; đầu tư phát triển Khu du lịch văn hóa lễ hội và cảnh quan Hương Sơn; phát triển Khu du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ ngơi cuối tuần Sóc Sơn, làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây), các làng nghề, làng cổ như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Ðường Lâm... để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.