(TITC) - Ngày 21/11/2012, tại Hà Nội, bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổng cục Du lịch và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học "Bảo tàng với du lịch di sản". Đây là hoạt động nằm trong đề án "Tăng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động du lịch" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện, nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của bảo tàng, gắn kết bảo tàng với du lịch di sản.
Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa; các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch; một số bảo tàng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (bảo tàng Hồ Chí Minh, Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chứng tích chiến tranh, Phụ nữ Nam Bộ); đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội; cùng hơn 30 doanh nghiệp lữ hành trong cả nước…
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Cường khẳng định: Bảo tàng là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa, thể hiện lòng tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc. Nếu khai thác, phát huy một cách khoa học giá trị của bảo tàng thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn du khách.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá các hoạt động phục vụ khách tham quan của bảo tàng Lịch sử quốc gia ở các mặt:
- Công tác trưng bày đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút khách đến bảo tàng và đã được bảo tàng sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Đây là cách giúp du khách dễ dàng tiếp cận với các tài liệu, hiện vật, có thể coi như một "ngôn ngữ" diễn đạt giá trị của các tài liệu, hiện vật gốc. Hiện nay, ngoài khu trưng bày truyền thống trong nhà, bảo tàng còn có khu trưng bày ngoài trời với quy mô lớn nhằm đa dạng hóa hệ thống trưng bày phục vụ du khách.
- Công tác đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan thực sự cần thiết bởi vì giá trị của bảo tàng có phát huy tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ thuyết minh viên với chức năng giới thiệu một cách chính xác, dễ hiểu về các tài liệu, hiện vật tới du khách.
- Công tác truyền thông nhằm giới thiệu hình ảnh, chức năng của bảo tàng và đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng cũng như kích thích nhu cầu tham quan, tìm hiểu của công chúng cũng đã được bảo tàng quan tâm (thiết lập trang web; quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo).
Cùng với các hoạt động chuyên môn, bảo tàng còn đẩy mạnh các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thưởng thức, giải trí của du khách như: quầy lưu niệm; cung cấp tư liệu…
Qua kết quả phân tích, đánh giá về bảo tàng, các đại biểu đã định hướng, đưa ra giải pháp nhằm tăng cường gắn kết hơn nữa giữa bảo tàng với hoạt động du lịch vì mục tiêu phát triển bền vững như: nâng cấp, sửa đổi hệ thống trưng bày; bổ sung, đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ thuyết minh viên; tăng cường công tác truyền thông; chú trọng tăng cường hợp tác với các công ty lữ hành nhằm xây dựng những chương trình du lịch di sản đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan vì đây chính là giải pháp đột phá để giúp bảo tàng thu hút đông khách...
Thanh Hải