Nằm ở phía bắc của tỉnh Hà Giang, Cao nguyên đá Đồng Văn giờ đây không chỉ là riêng của Hà Giang mà đã trở thành di sản chung của dân tộc Việt Nam và nhân loại trên thế giới khi chính thức trở thành Công viên Địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam.
Để xây dựng hình ảnh Cao nguyên đá ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước, tỉnh Hà Giang đã và đang đẩy mạnh công tác bảo tồn nguyên vẹn những giá trị di sản trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Cao nguyên đá Đồng Văn có đặc điểm nổi bật với những giá trị địa chất, đa dạng sinh học, giá trị hang động, giá trị văn hóa kiến trúc và giá trị văn hóa phi vật thể. Các nhà khoa học đã phát hiện có khoảng 40 điểm di sản hoặc điểm có giá trị về mặt tài nguyên có ý nghĩa quốc gia và quốc tế, bao gồm 7 di sản về tiến hóa trái đất, 7 di sản về vườn đá, 6 điểm di sản về vách đá dốc dựng đứng có độ cao từ 200 - 600m.
Điều kiện tự nhiên, khí hậu khác biệt so với tất cả các vùng, miền trên cả nước đã tạo nên cho Cao nguyên đá Đồng Văn sự đa dạng, phong phú về hệ thống các loài động, thực vật quý hiếm ở khu vực bảo tồn thiên nhiên Du Già, khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Voọc mũi hếch Khau Ca. Hiện trên Cao nguyên đá có rất nhiều loại gỗ và cây dược liệu quý hiếm như: Thông tre lá ngắn, dẻ tùng nâu, hoàng đàn rủ, bạc hà, hà thủ ô đỏ... Đặc biệt là cây thông đỏ - loại cây có đường kính tới 70cm, được xem là cây có đường kính lớn nhất, sống lâu nhất ở các tỉnh miền núi phía bắc của Việt Nam. Một số loại cây trên Cao nguyên đá đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam như: cây bảy lá một hoa, cây đỉnh tùng.
Cao nguyên đá có nhiều loại động vật có nguồn gen bản địa như giống bò, gà xương đen... Đây là những loại động vật chỉ có duy nhất ở khu vực này và có nguồn gen quý hiếm và đang được bảo tồn gìn giữ. Hơn nữa, nơi đây còn có những loài thú linh trưởng, các loài dơi là nguồn gen quý hiếm đối với Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng. Theo thống kê của các nhà khoa học, trên Cao nguyên đá hiện có 8 loài thú linh trưởng, chiếm trên 30% số loài linh trưởng của Việt Nam; trong đó loài Voọc mũi hếch là loài thú đặc hữu ở vùng địa lý động vật Đông Bắc thuộc Khu bảo tồn và sinh cảnh Khau Ca.
Các nhà khoa học, địa chất đã phát hiện trên khu vực Cao nguyên đá có gần 100 hang động. Những hang động này gắn với nhiều sự kiện lịch sử, vừa có giá trị tâm linh, đồng thời cũng là những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp phục vụ phát triển du lịch, đồng thời đem lại những tiềm năng to lớn cho việc giải quyết vấn đề nước ăn của đồng bào các dân tộc.
Có thể nói, quá trình phát triển và gắn bó lâu dài của cư dân các dân tộc trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã để lại những dấu ấn đậm nét ở các công trình kiến trúc tiêu biểu như: Phố cổ Đồng Văn hiện còn gần 50 ngôi nhà được xây dựng cách đây vài trăm năm. Nhiều ngôi nhà được xác định lâu đời nhất đó là ngôi nhà của dòng họ Lương với thời gian dựng nhà cách ngày nay khoảng 300 năm. Mặc dù đã bị xuống cấp theo thời gian, song kiến trúc độc đáo của phố cổ Đồng Văn vẫn đang được các ngành, các cấp của tỉnh Hà Giang và huyện Đồng Văn bảo tồn gìn giữ. Hay như Dinh thự nhà Vương ở xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn) được xây dựng theo kiến trúc đời nhà Thanh (Trung Quốc), là một công trình kiến trúc rất tinh xảo với nhiều hoa văn độc đáo. Những giá trị văn hóa kiến trúc độc đáo, những di sản còn nguyên về giá trị lịch sử, văn hóa và là những biểu tượng độc đáo về nét văn hóa kiến trúc của cư dân nơi đây.
Cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi có nền văn hóa đặc sắc và phong phú. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử và sự phát triển về mọi mặt của xã hội, nhưng 17 dân tộc anh em cùng chung sống trên Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn luôn gìn giữ được giá trị bản sắc riêng, với nhiều nét độc đáo, đặc trưng và quyến rũ. Mỗi dân tộc trên Cao nguyên đá đều biết chọn lựa những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc tạo nên bề mặt văn hóa tinh thần phong phú, nhiều đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Thể hiện rõ nhất là việc canh tác theo phương thức thổ canh hốc đá - một trong những phát minh đặc biệt và được phổ biến nhất trong đồng bào nơi đây. Do thiếu đất sản xuất nên bà con đã tận dụng những sườn núi đá hiểm trở, hoặc đổ đất vào những hốc đá để canh tác đã trở thành nét văn hóa, văn minh nông nghiệp độc đáo hiếm có.
Theo ông Sèn Chỉn Ly - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Để bảo tồn nguyên vẹn những giá trị di sản, văn hóa trên Cao nguyên đá Đồng Văn, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND 4 huyện trên Cao nguyên đá tổ chức nhiều lớp tuyên truyền cho bà con dân tộc thiểu số đang sinh sống trên Cao nguyên đá nâng cao nhận thức về Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Thông qua các lớp tập huấn này, hàng ngàn bà con dân tộc thiểu số đã hiểu thêm về giá trị của Cao nguyên đá, từ đó góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị đặc biệt của di sản.