Du lịch (DL) Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với nhiều di tích, danh thắng gắn liền với một số sản phẩm, đặc sản gần xa như: Vườn cây ăn trái Lái Thiêu với đặc sản măng cụt, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp với sản phẩm sơn mài các loại, Làng gốm Tân Phước Khánh với những sản phẩm gốm sứ nổi tiếng...
Nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những sản phẩm, đặc sản này đang ngày càng bị mai một. Đến nay, để tìm một sản phẩm du lịch (SPDL) mang tính đặc thù của đất và người Bình Dương quả thật là điều rất gian nan…
Những sản phẩm du lịch đặc trưng
Trong các SPDL nổi bật của Bình Dương phải kể đến lễ hội tâm linh chùa Bà Thiên Hậu tại TP. Thủ Dầu Một. Đây được xem là lễ hội tưng bừng nhất trong năm. Chỉ tính riêng trong thời gian diễn ra lễ hội, mỗi năm, đã có hàng triệu du khách đến chùa tham quan, chiêm bái.
Điểm nhấn thứ hai của DL Bình Dương là KDL Cầu Ngang (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An). Chắc hẳn không một khách DL nào đã từng đến Bình Dương lại không mong muốn một lần được đến nơi đây. Là KDL sinh thái nổi tiếng, được nhiều người dân và du khách ở các tỉnh, thành khu vực phía nam biết đến từ rất lâu, khu vườn cây ăn trái (VCAT) này tập trung ở 6 xã, phường ven sông Sài Gòn gồm: Vĩnh Phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn thuộc địa bàn thị xã Thuận An, với tổng diện tích trên 1.200 ha, trong đó tập trung nhiều nhất là xã An Sơn với hơn 400ha. Với lợi thế về thổ nhưỡng, VCAT Lái Thiêu từng là điểm DL xanh nổi tiếng nhất của Bình Dương. Hàng năm, vào mùa trái chín, nơi đây thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nhất là khách DL đến từ TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Ngoài 2 điểm nhấn trên, DL Bình Dương còn có rất nhiều địa danh, danh thắng gắn liền với các SPDL khác cũng rất nổi tiếng như: KDL Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (TP. Thủ Dầu Một) với các điểm vui chơi, giải trí hấp dẫn; làng sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một) với các sản phẩm sơn mài truyền thống nổi tiếng; làng gốm Tân Phước Khánh (huyện Tân Uyên) với các sản phẩm gốm sứ truyền thống và hiện đại; cù lao Bạch Đằng nổi tiếng với đặc sản bưởi Bạch Đằng; chùa Hội Khánh (TP.Thủ Dầu Một); chùa núi Châu Thới (thị xã Dĩ An); núi Cậu nằm trong lòng hồ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng)… thường xuyên thu hút du khách đến tham quan.
Mai một theo thời gian
Cho đến nay, nếu như lễ hội chùa Bà Thiên Hậu vẫn có thể được xem như một sản phẩm đặc thù của DL Bình Dương bởi nó hội đủ những yếu tố cần thiết, thì nhiều SPDL khác lại không được như vậy, điển hình như VCAT Lái Thiêu, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh và làng điêu khắc gỗ Phú Thọ. Gánh nặng kinh tế buộc người dân phải chạy theo thị hiếu thị trường khiến cho những nơi này mất đi bản sắc văn hóa riêng.
Cần quan tâm đầu tư
Để trở thành một sản phẩm đặc thù của DL Bình Dương, trước tiên SPDL đó phải mang nét đặc trưng độc đáo và duy nhất đại diện cho đất và người Bình Dương, đồng thời nó cũng phải được nhiều người biết đến. Hiện tại, một số làng nghề, di tích - danh thắng có thể trở thành SPDL đặc thù của tỉnh, nhưng… với điều kiện phải được quan tâm, bảo tồn và hỗ trợ phát triển hơn nữa, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai quảng bá đến việc kết hợp khai thác các sản phẩm để phục vụ du khách.
Trên thực tế, UBND tỉnh và các ban, ngành đang rất khẩn trương tìm các biện pháp, giải pháp thích hợp nhằm giúp các SPDL của Bình Dương bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc thù. Tiêu biểu như: đề án “Bảo vệ môi trường thị xã Thuận An giai đoạn 2011- 2015”, trong đó trọng tâm là việc bảo tồn đa dạng sinh học và cải tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả VCAT Lái Thiêu theo hướng phát triển DL sinh thái; xây dựng đề án “Phát triển các SPDL đặc thù tỉnh Bình Dương đến năm 2015” và “Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến DL tỉnh Bình Dương đến năm 2015” của Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương…
Với cách làm này, trong tương lai, các SPDL của Bình Dương chắc chắn sẽ phát huy nét đặc thù của mình.