Bộ trưởng, đại biểu Quốc hội Hoàng Tuấn Anh tiếp xúc cử tri tại Tây Ninh
Cập nhật: 03/12/2012
Ngày 27/11/2012, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, đơn vị số 1, gồm: ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL; ông Lê Minh Trọng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh; ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Thành.

Cùng đi với đoàn có ông Nguyễn Văn Tấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VHTTDL); ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM; ông Nguyễn Kiều Linh, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM.

Buổi sáng, Đoàn đã tiếp xúc các cử tri khối cán bộ, công chức huyện Châu Thành tại hội trường huyện ủy, gồm các đơn vị: Long Vĩnh, Ninh Điền, Đồng Khởi, Thành Long, Thanh Điền, thị trấn Châu Thành, Trí Bình, Hảo Đước, Phước Vinh, An Cơ, An Bình, Thái Bình và đồn biên phòng Phước Tân. Buổi chiều, đoàn tiếp xúc cử tri tại hội trường xã Biên Giới gồm các đơn vị: Hòa Hội, Hòa Thạnh, Biên Giới và đồn biên phòng Vàm Trảng Trâu.

Trong không khí phấn khởi chào đón Đoàn đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Văn Vân, xã Đồng Khởi chia sẻ: Bà con ở đây rất mừng được đón Bộ trưởng và Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh. Bà con cũng đã giãi bày tâm tư nguyện vọng và được Bộ trưởng trả lời khá cụ thể, sâu sắc. Ông Vân cũng cho rằng, đây là cơ hội vàng để Tây Ninh phát triển du lịch, bà con Tây Ninh mong muốn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ hơn nữa của Bộ trưởng và các đại biểu để Tây Ninh phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn...

Với tinh thần thẳng thắn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: Vấn đề cốt lõi để phát triển du lịch Tây Ninh vẫn là việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng; đặc biệt là đường đến các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử… Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng các cơ sở lưu trú. Hiện tỉnh Tây Ninh chưa có một cơ sở lưu trú nào đạt tiêu chuẩn 3 sao, đó cũng là cái khó để có thể thu hút khách du lịch đến và ở lại, vậy nên phải đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú. Trước mắt, tỉnh cần kêu gọi các nhà đầu tư hoặc cải tạo một cơ sở lưu trú hiện có thành một khách sạn 3 sao. Bên cạnh đó, Tây Ninh cũng phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện công tác tuyên truyền; liên kết… ưu tiên để phát triển du lịch. Riêng đào tạo nguồn nhân lực thì thời gian qua, cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TPHCM đã mở 3 lớp bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, thể thao và du lịch cho các cán bộ ngành Du lịch Tây Ninh. Còn câu chuyện liên kết để phát triển du lịch là bài toán tất yếu.

Trước mắt, Bộ trưởng chỉ đạo, Sở VHTTDL phải tích cực vận động để thực hiện sự liên kết này. Theo đó, phải liên kết giữa Sở VHTTDL và các sở, ngành khác trong tỉnh, rồi liên kết với các sở VHTTDL trong vùng Đông Nam bộ. Đặc biệt là với TP.HCM, cùng với họ kêu gọi các nhà đầu tư lên Tây Ninh đầu tư, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Tây Ninh có đường biên giới với nước bạn Campuchia nên cũng cần hợp tác, liên kết với ngành Du lịch, các tỉnh, thành của nước này để thu hút dòng khách này đến với Tây Ninh ngày càng nhiều hơn.

Nếu được, trong thời gian tới, Tây Ninh nên giới thiệu những gì mình đang có cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết mà liên kết cùng phát triển. Nhưng trước đó, cần phải tiến hành thực hiện quy hoạch các khu du lịch một cách chi tiết... Ví như có một quy hoạch khu du lịch núi Bà Đen tổng thể, rồi phân định rõ các khu du lịch tâm linh, khu du lịch văn hóa, khu du lịch sông nước để thu hút đầu tư cũng như để du khách biết đến du lịch được thuận tiện…

Trong các buổi tiếp xúc, Bộ trưởng còn cung cấp cho cử tri những thông tin quan trọng về sự phát triển của ngành Du lịch, đặc biệt là sau khi vịnh Hạ Long được bầu chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được đầu tư vào vịnh Hạ Long, với số vốn đăng ký lên tới hơn 10 tỷ USD. Với mức độ tăng trưởng như hiện nay của ngành Du lịch thì năm nay có thể đón tới hơn 6 triệu lượt khách quốc tế và trên 30 triệu lượt khách nội địa, ước doanh thu khoảng 160.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD). Đây là con số khá ấn tượng của ngành Du lịch Việt Nam sau hơn 50 năm xây dựng phát triển.

Có thể nói, với cách trả lời trực tiếp, đi thẳng vào các vấn đề nhân dân mong đợi của Bộ trưởng đã làm cho bầu không khí trong các buổi tiếp xúc trở nên vui vẻ, gần gũi hơn.

Baodulich.net.vn