Di sản văn hoá không chỉ là tài sản vô giá của cha ông để lại mà còn là nguồn tài nguyên bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội về lâu dài. Quảng Ninh tự hào có một hệ thống các di sản văn hoá độc đáo, đã và đang được bảo tồn, tôn tạo và bước đầu phát huy giá trị.
Trải qua thời gian và những tác động chủ quan khác, nhiều di tích đã bị xuống cấp. Bằng nguồn vốn nhà nước và xã hội hoá, 5 năm trở lại đây, hàng chục di tích ở Quảng Ninh đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy những yếu tố gốc của di tích, đã và đang đóng vai trò tích cực phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Tiêu biểu như: khu di tích danh thắng Yên Tử; di tích lịch sử đình, đền Công; chùa Hổ Lao; chùa Bác Mã; đình Lưu Khê; đình Trung Bản; đền Trung Cốc; đình Lục Nà; đình Làng Dạ; đình Đầm Hà... Một số di tích đang trong giai đoạn tiến hành đầu tư, tu bổ, tôn tạo như: chùa Ba Vàng, đình Phong Cốc, di tích lịch sử Trung tâm Chiến khu Đông Triều, đình Trà Cổ… Quy hoạch 3 trong tổng số 4 khu di tích trọng điểm của tỉnh (di tích danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí), di tích Bạch Đằng (huyện Yên Hưng) và di tích nhà Trần (huyện Đông Triều)) đang được bổ sung, hoàn thiện, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở để việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích mang tính bền vững hơn...
|
Chùa Long Tiên (TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)
|
Bên cạnh hệ thống di sản văn hoá vật thể, Quảng Ninh còn có hàng nghìn di sản văn hoá phi vật thể (DSVHPVT) đang tồn tại trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Trong thời gian qua, nhiều chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể đã được thực hiện, giúp nhiều di sản thoát khỏi nguy cơ mai một do những tác động cả về mặt chủ quan và khách quan. Trong đó, việc kiểm kê và lập hồ sơ DSVHPVT để đưa vào danh mục DSVHPVT đã bắt đầu triển khai từ năm 2011, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013. Hiện nay, hai di sản của tỉnh là lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán và nghi lễ Then cổ của người Tày ở Bình Liêu đã được lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia.
Nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hoá, Quảng Ninh đã xây dựng hệ thống các nhà bảo tàng, nhà lưu niệm. Các hiện vật được lưu giữ ở đây là nguồn tài liệu quý phục vụ nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của mọi đối tượng công chúng. Dự án xây dựng Khu văn hoá núi Bài Thơ, Bảo tàng - Thư viện tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng mới với mục tiêu trở thành một địa chỉ văn hoá, du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu và hưởng thụ văn hoá của nhân dân và du khách.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có nhiều giá trị về mặt khảo cổ rất độc đáo. Qua các phát hiện khảo cổ đã cho thấy, Quảng Ninh là một trong những địa điểm có con người sinh sống sớm nhất trong cả nước. Trong quá trình chinh phục tự nhiên và phát triển, họ đã tạo ra một không gian văn hoá rộng lớn với hàng trăm di sản, trong đó có những di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử có giá trị quan trọng như: Đầu Rằm, bãi cọc Bạch Đằng, hòn Hai - Cô Tiên, chùa Lấm v.v. Gần đây nhất, năm 2011 và 2012, Quảng Ninh đã tiến hành thăm dò khai quật hàng chục địa điểm khảo cổ: chùa Bác Mã và thôn Bác Mã, mộ gạch thôn Đức Sơn, mộ cổ Nghĩa Hưng, bảo tháp Vân Đồn, di tích Nguyên lăng và Phụ Sơn lăng, lò sứ cổ Nam Sơn. Đặc biệt, vào tháng 6-2012 khi UBND huyện Đông Triều thi công mở rộng đường từ Trại Lốc lên di tích chùa Ngoạ Vân (huyện Đông Triều) đã phát hiện một chiếc hộp hoa sen bằng vàng thời Trần, lần đầu tiên tìm thấy tại Việt Nam. Những khẳng định về giá trị chiếc hộp cho chúng ta thêm một hy vọng mới trong việc công nhận Bảo vật Quốc gia cho hai hiện vật của Quảng Ninh…
Với sự phong phú và những giá trị độc đáo, di sản văn hoá của Quảng Ninh thực sự là nguồn tiềm năng to lớn. Nếu có chiến lược bảo tồn và phát huy đúng giá trị, đây sẽ là “kho báu” vô giá cho phát triển du lịch, nhất là khi du lịch văn hoá đang trở thành xu hướng phát triển bền vững hiện nay.