Các dân tộc ở Lào Cai có nhiều di sản văn hóa độc đáo, trong đó có múa và âm nhạc. Mỗi dân tộc đều có những điệu múa, khúc ca và nhạc cụ truyền thống, mang đậm âm hưởng dân gian. Song, những di sản quý báu ấy đang dần bị mai một.
Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã thực hiện các đề tài, dự án sưu tầm, bảo tồn và phát huy vốn di sản múa và âm nhạc của các tộc người Mông, Dao và Hà Nhì để phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng.
Di sản múa, âm nhạc là sản phẩm được tạo ra từ chính quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của các dân tộc ở tỉnh Lào Cai, tiêu biểu là đồng bào dân tộc Mông, Dao và Hà Nhì. Vì vậy, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai đã thực hiện các đề tài, dự án sưu tầm nhằm bảo tồn và phát huy vốn di sản múa và âm nhạc cũng như phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng.
Để thực hiện công tác này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh rất quan tâm đến việc sưu tầm các điệu múa đặc sắc của các dân tộc như: Múa giã lanh, múa chiêng, múa sàng sảy… của người Mông; múa bắt ba ba, múa bát quái, nhảy Pút tồng… của người Dao… Dựa trên kết quả của công tác sưu tầm nghiên cứu, các nghệ sĩ của ngành văn hóa đã truyền dạy các di sản múa, âm nhạc cho các thế hệ trong cộng đồng để các di sản đó được kế thừa ngay trong chính tộc người của họ. Ngoài ra, các điệu múa, nhạc cụ, làn điệu dân tộc cũng được các nhạc sĩ, biên đạo nghiên cứu, cải biên trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm màu sắc dân gian, giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Sở đã tiến hành xây dựng các đội văn nghệ thôn, bản để phục vụ cho hoạt động du lịch. Sau khi được thành lập, dàn dựng tập luyện, các đội văn nghệ đã đi vào hoạt động dưới sự quản lý của Ban quản lý du lịch cộng đồng, như xã Bản Hồ và Tả Van hoặc được các công ty du lịch khai thác và quản lý như đội văn nghệ Cát Cát. Tại huyện Sa Pa, các đội văn nghệ ở thôn Cát Cát (xã San Sả Hồ), thôn Xả Séng (xã Tả Phìn), thôn Bản Dền (xã Bản Hồ), thôn Tả Van Giáy (xã Tả Van) đều tham gia vào biểu diễn trong các hoạt động chính trị của xã và phục vụ tốt cho hoạt động du lịch cộng đồng.
Các đội văn nghệ được duy trì và biểu diễn thường xuyên tại các điểm du lịch cộng đồng phục vụ cho du khách có nhu cầu thưởng thức, tạo thêm nguồn thu cho các thành viên tham gia đội văn nghệ. Hoạt động biểu diễn văn nghệ tạo nguồn thu bình quân 1 triệu đồng đến 1,2 triệu đồng/thành viên mỗi tháng.
Việc ra đời các đội văn nghệ thôn, bản đã góp phần tạo ra phong trào tập luyện sâu rộng trong cộng đồng. Qua đó, người dân hiểu thêm về giá trị truyền thống của dân tộc mình, góp phần nâng cao lòng tự hào về văn hoá của dân tộc.
Thực tế đã cho thấy, việc bảo tồn, phát huy di sản múa, âm nhạc gắn với hoạt động du lịch cộng đồng đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Việc gắn liền di sản múa, âm nhạc với việc phát triển du lịch cộng đồng, vốn di sản quý báu của đồng bào dân tộc sẽ được bảo tồn ngay trong chính cộng đồng và phát huy có hiệu quả trong đời sống của chủ nhân các di sản đó. Song, để cho hoạt động này được duy trì và ngày càng phát triển, đòi hỏi phải có sự quan tâm của các nhà chuyên môn, các cấp quản lý.