Ngày 5-12, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã ký ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất các sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn thành phố.
Theo đó, sản phẩm du lịch được hỗ trợ phải là sản phẩm hoàn chỉnh, được sản xuất tại thành phố và đảm bảo các yêu cầu cơ bản bao gồm: thể hiện tính đặc trưng, riêng biệt của Đà Nẵng (sông, núi, biển…); có tính độc đáo, sáng tạo, mỹ thuật; được làm từ các chất liệu an toàn cho sức khỏe con người và có dòng chữ “Đà Nẵng” hoặc “Đà Nẵng – Việt Nam” trên sản phẩm.
Các doanh nghiệp nêu trên sẽ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của thành phố và các nguồn ưu đãi của nhà nước.
Cụ thể, được hỗ trợ kinh phí với mức tối đa là 50% giá trị máy móc thiết bị (không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp) khi thực hiện việc đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại sản xuất ở nước ngoài trong các khâu sản xuất, xử lý môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu. Trường hợp mua sắm máy móc thiết bị hiện đại sản xuất ở trong nước, mức hỗ trợ tối đa sẽ là 30% giá trị máy móc thiết bị (không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp).
Được hỗ trợ kinh phí với mức tối đa là 70% (không vượt quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp) để tổ chức sản xuất thử đối với các mẫu sản phẩm lưu niệm mới, trong đó ưu tiên các mẫu sản phẩm được lựa chọn từ các cuộc thi sáng tác, thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm thành phố Đà Nẵng.
Được hỗ trợ kinh phí với mức tối đa là 50% chi phí cho một nội dung thuê tư vấn (tổng cộng không quá 30 triệu đồng/doanh nghiệp) khi thuê tư vấn về lập dự án đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chiến lược kinh doanh; thiết kế sản phẩm mới; tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguyên, nhiên vật liệu; sử dụng nguyên liệu nội địa thay thế nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm.
Được hỗ trợ một phần kinh phí tiếp nhận lao động vào đào tạo và bố trí việc làm sau khi đào tạo tại doanh nghiệp theo hình thức hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên hoặc hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Mức hỗ trợ tối đa không quá 500.000 đồng/người/tháng và thời gian đào tạo được hỗ trợ không quá 3 tháng cho một khóa đào tạo.
Về hỗ trợ xúc tiến thương mại, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chi phí đăng ký sở hữu công nghiệp với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 3 nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp/doanh nghiệp/năm. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ được miễn phí thuê mặt bằng 1 gian hàng chuẩn trong trường hợp tham gia các hội chợ, triển lãm do UBND thành phố tổ chức và được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/gian hàng chuẩn khi tham gia các hội chợ chuyên ngành du lịch, quà tặng, hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề, công nghiệp nông thôn tại các tỉnh, thành phố nhưng tối đa không quá 2 gian hàng chuẩn/lần tham gia và không quá 02 lần tham gia/năm.
Được hỗ trợ kinh phí ký gửi, ủy thác mua bán sản phẩm tại các trung tâm, cửa hàng trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm đặt tại các địa điểm cố định, lâu dài thu hút khách du lịch bao gồm: sân bay, nhà ga xe lửa, các điểm tham quan du lịch của thành phố (Bà Nà, bảo tàng Chăm, Ngũ Hành Sơn, bảo tàng Đà Nẵng, trạm dừng Hải Vân) và các địa điểm khác được bổ sung hàng năm với mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/năm tính cho toàn bộ sản phẩm ký gửi của doanh nghiệp và thời gian tính hỗ trợ tối đa là 2 năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ được miễn phí giới thiệu sản phẩm trên cổng thông tin điện tử thành phố, cổng giao tiếp thương mại điện tử thành phố, website Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và website Sở Công Thương và được UBND thành phố chọn các sản phẩm thích hợp để làm quà tặng cho các đoàn khách khi đến thăm thành phố.
Đối với các doanh nghiệp có nhu cầu về mặt bằng để di dời nhà xưởng cũ hoặc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới sẽ được xem xét hỗ trợ hoặc bố trí đất trong các khu vực quy hoạch của thành phố.
Quy định cũng nêu rõ không xem xét hỗ trợ đối với các sản phẩm có nội dung trùng lặp với những sản phẩm đã được hỗ trợ trong các chương trình, dự án khác của nhà nước.