Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trong 11 tháng của năm 2012, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt trên 64 nghìn tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và đạt 94% kế hoạch năm 2012.
Riêng trong tháng 11/2012, tổng doanh thu du lịch, bao gồm lữ hành, khách sạn nhà hàng đạt 5.800 tỉ đồng. Lượng khách quốc tế đến Thành phố trong tháng 11 cũng tăng mạnh, ước tính đạt 365.000 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung tổng lượng khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh trong 11 tháng qua ước đạt gần 3,5 triệu người, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2011.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã có những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút du khách trong nước và quốc tế. Ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chú trọng tập trung nâng cao chất lượng công tác quảng bá, xúc tiến. Công tác quảng bá, xúc tiến phát động thị trường được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh việc gắn với các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng là việc quảng bá ra nước ngoài tại ngay trong nước cho các hãng lữ hành - nhà báo quốc tế, phối hợp với các tỉnh, thành trong nước và các nước trong khu vực.
Thành phố cũng đã tổ chức tốt các sự kiện lễ hội ngay tại địa phương, qua đó kích cầu du lịch nội địa như: Lễ hội đường hoa Nguyễn Huệ, Ngày hội du lịch, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực Đất Phương Nam, Liên hoan món ngon các nước; quảng bá hình ảnh điểm đến, tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch trong nước gặp gỡ, liên kết, chào bán sản phẩm với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố Hồ Chí Minh còn kết hợp với các tỉnh trong khu vực để liên kết phát triển du lịch như: Chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Thuận, Lâm Đồng... Thông qua các chương trình này đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư về du lịch tại các địa phương nói trên, tạo ra những sản phẩm dịch vụ du lịch mới phục vụ du khách.
Với nỗ lực làm đa dạng hóa điểm đến và sản phẩm du lịch để phục vụ sự phát triển ngành du lịch của thành phố Hồ Chí Minh, song song với việc khai thác các tuyến du lịch đường sông tầm ngắn, trung và dài, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác các tuyến du lịch đường sông nội đô để gắn kết du lịch nội thành với ngoại thành.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh) thì du lịch đường sông ở thành phố Hồ Chí Minh đã được xác định là sản phẩm chiến lược. Các công ty du lịch lữ hành đã đưa du khách quốc tế đi tham quan các địa điểm du lịch trong và ngoại thành thành phố thông qua việc khai thác các tuyến du lịch đường sông.
Đó là khai thác tour đường sông tầm ngắn từ bến Bạch Ðằng (quận 1) đi Ngã ba Nhà Bè, Làng họa sĩ (quận 2) hoặc bán đảo Thanh Ða (quận Bình Thạnh). Tuyến tầm trung từ bến Bạch Ðằng đi địa đạo Củ Chi, rừng ngập mặn Cần Giờ rồi đến thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương). Tầm dài từ thành phố đi xuống các tỉnh Ðồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia.
Hiện mỗi năm lượng khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, có những điểm nội đô thường thu hút du khách quốc tế đến với du lịch thành phố Hồ Chí Minh: Nhà thờ Ðức Bà, Bưu điện Trung tâm thành phố, Chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh...
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, trong đề án phát triển du lịch đường sông, việc đưa vào khai thác các tour du lịch nội đô sẽ góp phần vào việc làm phong phú thêm sản phẩm, điểm đến trong chương trình phát triển du lịch đường sông. Ngoài ra, sẽ kết nối được với các điểm đến ở ngoại thành. Tuy nhiên, khó khăn của việc khai thác tuyến này là các dự án về môi trường chưa hoàn thành toàn bộ cho nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra. Mặt khác, cảnh quan hai bên bờ kênh cũng chưa đồng bộ do tiến độ giải tỏa các hộ dân đang sinh sống ven kênh rạch còn chậm.
Ðể giải quyết những khó khăn nêu trên, Sở đã có kiến nghị với Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ nạo vét lòng rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ, chỉnh trang bờ kè hai bên kênh, rạch. Sở cũng đã đề nghị cho phép Ủy ban nhân dân quận 1 và Ban Quản lý Công viên Cảng du lịch Bạch Ðằng nâng cấp, xây dựng tạm thời các cầu tàu, nhà chờ đón khách tiện nghi đủ tiêu chuẩn du lịch tại bến Bạch Ðằng trong khi chờ lập quy hoạch và phát triển bờ tây sông Sài Gòn, xây dựng bến tàu du lịch mới.