Với gần 140 điểm di tích và cụm di tích lịch sử văn hóa, sinh thái, cùng với bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Sơn Dương có tiềm năng lớn để phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Để thúc đẩy ngành kinh tế du lịch của địa phương phát triển, đặc biệt tại những xã có tiềm năng phát triển du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái như: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Hợp Hòa, Đông Lợi, Sơn Nam, Thiện Kế, thị trấn Sơn Dương... những năm qua, huyện Sơn Dương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển dịch vụ du lịch. Nhiều điểm di tích lịch sử của huyện Sơn Dương đã được trùng tu khôi phục như: Di tích Ban Thường trực Quốc hội (thôn Chi Liền, xã Trung Yên); Khu di tích lịch sử Tân Trào (xã Tân Trào)…, tạo điều kiện thuận lợi để Sơn Dương đẩy mạnh quảng bá, xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với phát triển hệ thống dịch vụ trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Hướng dẫn thuyết minh của Ban quản lý Khu di tích lịch sử Tân Trào cho biết, để phát triển tiềm năng du lịch của địa phương, đơn vị đã thực hiện biên tập 5.000 tờ gấp ghi rõ địa chỉ và tóm tắt lịch sử của các cụm, điểm di tích; phát hành 1.200 đĩa DVD giới thiệu về các điểm di tích, thiên nhiên, con người vùng ATK... Nhằm tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu về du lịch Sơn Dương, Ban Quản lý còn thành lập trang wed với địa chỉ www.dulichtantrao.com.vn... Để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội hướng dẫn viên du lịch, Ban Quản lý cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng; tổ chức cho hướng dẫn viên viết các bài chuyên sâu về các điểm di tích và kỹ năng hướng dẫn; xây dựng phiếu thăm dò ý kiến của du khách đến tham quan; tạo điều kiện cho hướng dẫn viên tham gia những cuộc thi hướng dẫn viên ở khu vực và toàn quốc để học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Từ đầu năm 2012 đến nay, Khu di tích lịch sử Tân Trào đã đón gần 500.000 lượt khách đến tham quan, du lịch.
Bên cạnh mặt đạt được, hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Sơn Dương vẫn còn thiếu những sản phẩm mũi nhọn, điểm nhấn của địa phương. Một số điểm du lịch có tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác. Ngay tại Khu di tích lịch sử Tân Trào, dù đã có các điểm bày bán các sản phẩm hàng lưu niệm song chỉ có 1 số sản phẩm như cơm lam, rau rừng, cây thuốc... là của bản địa, còn các mặt hàng lưu niệm hầu như đều nhập từ nơi khác về. Hệ thống dịch vụ ẩm thực, giải trí hầu như còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa thực sự cao.
Tiềm năng về phát triển dịch vụ du lịch ở Sơn Dương là một thế mạnh không phải địa phương nào cũng có được. Để thế mạnh này phát huy được hiệu quả, hiện các cấp, ngành liên quan ở huyện Sơn Dương đang có kế hoạch xây dựng một lộ trình về phát triển du lịch gắn với các loại hình dịch vụ phù hợp, đáp ứng các yêu cầu của du khách mỗi khi đến với Sơn Dương.