Tây Nguyên là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, đậm đà bản sắc văn hóa, là nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng… Trong những năm qua, ngành Du lịch các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá các danh lam, thắng cảnh, các cơ sở làng nghề truyền thống và các địa điểm du lịch nhằm kêu gọi vận động đầu tư cho các tỉnh.
Tuy nhiên, để hoạt động này được thiết thực và hiệu quả hơn, một trong những việc quan trọng cần phải làm đó là đẩy mạnh việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quảng bá ngành Du lịch tại đây.
Mảnh đất Tây Nguyên huyền thoại có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như: hồ Than Thở, hồ Xuân Hương (Lâm Đồng); thác Thủy Tiên, hồ Lắk, vườn quốc gia Yok Đôn, Buôn Đôn nổi tiếng với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi, các di tích lịch sử như tháp Chàm thế kỷ 13, biệt điện của cựu hoàng Bảo Đại, nhà tù Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); chùa Bửu Nghiêm, di tích lịch sử-văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, hồ Ayun Hạ, núi Chơ Hơ Rông (Gia Lai)…
Trong những năm qua, ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên đã có những bước đi vững chắc, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nhất là ngành dịch vụ-một ngành được coi là có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay và là phần mềm của ngành du lịch. Các Sở, ngành, địa phương và đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tổ chức, xây dựng, triển khai thực hiện các hoạt động du lịch, do vậy trong năm 2012, ngành du lịch của các tỉnh đã có bước phát triển đáng kể so với những năm trước đây. Các cơ sở du lịch của các tỉnh được nâng cấp cả về mặt số lượng và chất lượng; hoạt động du lịch tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá… Tại tỉnh Đắk Lắk, riêng tháng 10-2012, tổng doanh thu du lịch đạt 23,5 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2011, công suất sử dụng buồng phòng đạt 60%. Hay tỉnh Lâm Đồng số lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Lâm Đồng ngày một tăng, nếu năm 1976 chỉ đón gần 8.000 khách thì đến năm 2012 đã đón gần 100.000 khách… Tỉnh Gia Lai, năm 2011, tổng lượng khách đến Gia Lai đạt 173.679 lượt, tăng 8,5% so với năm trước đó, trong đó, khách quốc tế đạt 8.755 lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 157,307 tỷ đồng, tăng 26,4% so với năm 2010…
Những kết quả khả quan của ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua là nhờ có sự đóng góp tích cực từ hoạt động xúc tiến, quảng bá của cả cơ quan xúc tiến nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, phải nói đến sự quan tâm xây dựng, tổ chức tốt hoạt động quảng bá bằng các công cụ hiệu quả như: hoạt động Famtrip, liên kết tạo sản phẩm liên vùng, báo chí, phát thanh-truyền hình, mà đặc biệt là trên mạng internet... Công tác ứng dụng CNTT xúc tiến, quảng bá du lịch Tây Nguyên trên mạng internet bước đầu có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số du khách, họ chưa biết nhiều đến du lịch Tây Nguyên qua mạng internet, bởi việc ứng dụng CNTT của ngành du lịch các tỉnh ở Tây Nguyên còn hạn chế, chưa được phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý du lịch và các doanh nghiệp. Công tác quảng bá của các doanh nghiệp còn mang tính tự phát và nhỏ lẻ, chưa tập hợp tất cả nguồn lực để tạo nên hình ảnh chung cho du lịch ở Tây Nguyên nói chung và các tỉnh nói riêng.
Nhìn từ phía các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp có hệ thống máy tính kết nối internet tốc độ cao ADSL, các khách sạn có trang bị hệ thống internet không dây phục vụ nhu cầu của du khách khi lưu trú. Tuy nhiên, chỉ có số ít các doanh nghiệp có kết nối mạng nội bộ để triển khai các phần mềm ứng dụng quản lý nhà hàng, quản lý tour và các phần mềm ứng dụng khác. Chỉ có chưa tới 50% doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn các tỉnh có website riêng, song hầu hết các website chỉ cung cấp thông tin giới thiệu về doanh nghiệp và thông tin liên lạc.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Thông tin và Truyền thông ở các tỉnh Tây Nguyên thì toàn vùng có khoảng trên 200 trang thông tin điện tử. Các trang thông tin điện tử này đã tập hợp các bài viết về đất nước, con người, làng nghề, ẩm thực, hệ thống danh bạ giới thiệu chi tiết các địa danh, làng nghề, điểm du lịch, phương tiện đi lại… đã góp phần quảng bá các sản phẩm du lịch của địa phương. Tuy nhiên, những tính năng được cho là vượt trội của trang web như xem bản đồ, tìm đường đi ngắn nhất, tìm điểm để hỗ trợ khách du lịch có thể đi đến các điểm du lịch, xem thông tin về các điểm du lịch… hoạt động còn chậm và chưa ổn định.
Khi truy cập dễ dàng nhận thấy khá nhiều doanh nghiệp có website riêng của mình để quảng bá du lịch. Các trang web quảng bá du lịch của mỗi tỉnh cũng có đến 3-4 trang, tuy nhiên việc triển khai rời rạc các hệ thống, thiếu khả năng kết nối thông tin đang cản trở người dùng tìm đến các thông tin mới nhất về hình ảnh du lịch Tây Nguyên. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có một “chuẩn chung” về trao đổi dữ liệu, nếu xây dựng được “chuẩn chung” này, doanh nghiệp không phải đầu tư mà sẽ tận dụng nó để giới thiệu hình ảnh, sản phẩm từ những chiến dịch quảng bá của Nhà nước, có môi trường trao đổi dịch vụ, giữa khách hàng với doanh nghiệp. Đồng thời với các cấp quản lý thì dựa trên số liệu thống kê có thể phân tích thị trường để hoạch định chính sách phát triển du lịch của địa phương.
Ngành du lịch các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã định hướng du lịch là một thế mạnh của tỉnh. Vì vậy, để giúp Tây Nguyên sớm trở thành khu vực du lịch trọng điểm của cả nước, một yếu tố đóng vai trò quan trọng là phải làm tốt công tác truyền thông qua mạng internet hay nói cách khác là đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong quảng bá du lịch Tây Nguyên.