(TITC) - Ngày 10/12/2012, tại khách sạn Hòa Bình (Hà Nội), Ban Quản lý dự án Tây Ban Nha đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch tổ chức lớp tập huấn “Nâng cao năng lực thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực cho ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội” do Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID) tài trợ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Trưởng Ban Quản lý dự án Tây Ban Nha Hoàng Thị Điệp và Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Phú Đức chủ trì lớp tập huấn. Tham dự lớp tập huấn có đại diện các vụ, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện các sở văn hóa, thể thao và du lịch một số tỉnh phía Bắc cùng các công ty lữ hành tại Hà Nội.
|
Tại lớp tập huấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Phạm Trung Lương đã trình bày tình hình thực hiện và bài học kinh nghiệm rút ra từ Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010. Giai đoạn này, toàn ngành du lịch đã nỗ lực triển khai nhiều chính sách hội nhập; hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương không ngừng đổi mới và hoàn thiện; sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của hệ thống doanh nghiệp du lịch, khách sạn, cơ sở hạ tầng, các điểm du lịch mới, an toàn và thân thiện… Tuy nhiên, nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại như nhận thức của xã hội về du lịch vẫn chưa đầy đủ; chính sách còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đi vào cuộc sống; quản lý và phối hợp liên ngành còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu… Trước tình hình đó, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được xây dựng và phê duyệt nhằm khắc phục những điểm yếu của chiến lược trước đồng thời tạo bước phát triển về chiều sâu, lấy chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả làm thước đo đánh giá để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nội dung chiến lược đã được Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ tới các học viên với mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Cụ thể năm 2020, Việt Nam đón 10 – 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 47 – 48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch đạt 18 – 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 – 7% GDP cả nước. Năm 2030, tổng thu du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, một loạt giải pháp và chương trình hành động đã được đề ra trong chiến lược như phát triển sản phẩm du lịch, phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đào tạo và phát triển nhân lực du lịch, phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch, ưu tiên đầu tư và thực hiện các chính sách phát triển du lịch, hoạch định chiến lược phát triển du lịch trên các lĩnh vực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch, tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch…
Cũng nằm trong khuôn khổ của dự án Tây Ban Nha, sáng ngày 11/12/2012, hội thảo “Liên kết, phối hợp thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã diễn ra tại khách sạn Hòa Bình nhằm trao đổi, thảo luận việc liên kết, phối hợp giữa các chủ thể trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược.
Thúy Hằng