UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Kế hoạch xác định quan điểm, mục tiêu, đề ra các giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể, khẳng định rõ quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, môi trường du lịch văn minh, thân thiện của tỉnh.
Tập trung cho du lịch nghỉ dưỡng
Mục tiêu cơ bản của kế hoạch là đến năm 2020 xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và giải trí lớn của cả nước. Theo đó, đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào khai thác kinh doanh 50% tổng số dự án du lịch đã được cấp phép đầu tư với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, văn hoá kết hợp thể thao, du lịch sinh thái. Đến năm 2020, toàn bộ dự án đầu tư du lịch sẽ đưa vào khai thác kinh doanh, trong đó có 60 cơ sở đạt chuẩn từ 3-5 sao; 5 trung tâm du lịch và vùng du lịch được xác định là TP. Vũng Tàu; cụm du lịch Long Hải - Phước Hải; cụm du lịch Núi Dinh - Bà Rịa, cụm du lịch Bình Châu - Hồ Linh và cụm du lịch Côn Đảo. Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao, giải trí có thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tiếp tục được phát huy để trở thành sản phẩm du lịch đặc thù; đồng thời tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án.
Để thực hiện các mục tiêu trên, công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng được ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, tỉnh sẽ kêu gọi nhà đầu tư, huy động vốn xây dựng hai cảng chuyên dùng cho du lịch đã được phê duyệt theo quy hoạch là: Sao Mai - Bến Đình tại TP.Vũng Tàu và cảng Côn Đảo; hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu; đầu tư các công trình phụ trợ cho du lịch ở các huyện như trung tâm thương mại, khu hội chợ-hội nghị-triển lãm, tu bổ các công viên, nhà văn hóa… Đối với huyện Côn Đảo, kế hoạch hành động xác định phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng và giá trị vườn quốc gia Côn Đảo, xây dựng Côn Đảo thành một trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế với các dịch vụ giải trí chất lượng cao. Đối với TP. Vũng Tàu tập trung xây dựng hoàn thành chợ Du lịch Vũng Tàu và nâng cấp hạ tầng Bãi Sau để trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh. Các huyện Tân Thành, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, trong năm 2012 sẽ hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên cơ sở các cụm du lịch đã được xác định theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Những giải pháp đồng bộ
Một trong những giải pháp thực hiện các mục tiêu trên là ưu tiên phát triển các loại hình du lịch và đa dạng hoá sản phẩm du lịch. Theo đó, UBND tỉnh định hướng và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã được giao đất xây dựng cơ sở vật chất hình thành các điểm vui chơi, giải trí, biểu diễn nghệ thuật nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh sẽ được nâng cấp, tái hiện thành sản phẩm du lịch, đồng thời tổ chức thường xuyên các sự kiện văn hoá, thể thao nhằm thu hút du khách.
Theo dự báo, từ nay đến năm 2015, trên địa bàn tỉnh sẽ có 50% dự án đầu tư du lịch đã cấp phép đi vào hoạt động, trong đó có những dự án quy mô quốc tế nên nhu cầu lao động vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ cho ngành du lịch là rất lớn. UBND tỉnh giao ngành du lịch điều tra, phân loại trình độ lao động, lập kế hoạch đào tạo và dự báo nhu cầu lao động trong tương lai để có kế hoạch bồi dưỡng kịp thời.
Trong kế hoạch này, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố đề ra chương trình hành động cụ thể nhằm hoàn thành kế hoạch trên và huy động cộng đồng dân cư tham gia, tạo môi trường thuận lợi để phát triển du lịch.