Lượng du khách đến với Đà Nẵng bằng đường biển trong thời gian gần đây có xu hướng tăng mạnh và nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm mang dấu ấn Đà Nẵng ngày càng nhiều. Tới đây, Đà Nẵng sẽ tổ chức thí điểm khoảng 10 quầy hàng lưu niệm và đặc sản khô của Đà Nẵng tại quảng trường trước nhà hát Trưng Vương để phục vụ khách du lịch tàu biển.
Sau khi khảo sát thực tế từ du khách và các hãng lữ hành được biết, khách du lịch tàu biển đến tham quan Đà Nẵng thường có nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm và đặc sản của địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Đà Nẵng ngày 26-10 đã có tờ trình lên UBND thành phố về việc xin phép tổ chức bán hàng lưu niệm, đặc sản tại khu vực phía trước nhà hát Trưng Vương.
Theo Sở VHTTDL thành phố, mặc dù nhu cầu mua sắm của khách là rất lớn, tuy nhiên Đà Nẵng chưa có điểm bán hàng tập trung, các điểm bán sản phẩm lưu niệm nằm rải rác, không tiện lợi cho du khách.
Khu vực phía trước nhà hát Trưng Vương là nơi thường xuyên tổ chức đưa, đón khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng nên việc hình thành điểm mua sắm tập trung tại đây sẽ rất tiện lợi cho du khách mua sắm các sản phẩm hàng lưu niệm và đặc sản của Đà Nẵng.
Điều này góp phần quảng bá hình ảnh Đà Nẵng rộng rãi hơn cũng như hình thành nên một điểm bán hàng thuận lợi cho du khách (trong thời gian chờ đợi đầu tư hình thành một trung tâm mua sắm tập trung phục vụ du khách).
Ngày 8-11, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý về việc tổ chức thí điểm 10 quầy bán các mặt hàng lưu niệm và đặc sản khô của Đà Nẵng tại quảng trường trước nhà hát Trưng Vương để phục vụ khách du lịch tàu biển.
Theo đó, các quầy này chỉ tổ chức vào thời gian có tàu du lịch cập cảng (không tổ chức vào các ngày khác). Tham gia bán hàng tại đây là các doanh nghiệp, cá nhân có uy tín về chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đội ngũ nhân viên có kỹ năng giao tiếp, có trình độ ngoại ngữ giao tiếp nhằm góp phần nâng cao văn hóa văn minh du lịch.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch thành phố Đà Nẵng nhận định, việc UBND thành phố có chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cũng như tổ chức thí điểm các quầy bán hàng lưu niệm sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm lưu niệm có đầu ra ổn định.
Theo ông Bình, hiện Đà Nẵng có nhiều DN sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản… tuy nhiên đều nằm rải rác ở nhiều nơi và cách xa nhau, trong khi khách đến tham quan có rất ít thời gian để đi mua sắm. Vì vậy, việc hình thành nên một trung tâm mua sắm tập trung đồng nghĩa với việc giúp cho các DN, các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, đặc sản… có một điểm bán hàng tập trung, có cơ hội giới thiệu sản phẩm với du khách cũng như đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm của du khách.
Trong các sản phẩm được bày bán, sẽ ưu tiên các mặt hàng thủ công, đồ thêu của người Cơtu, đá mỹ nghệ, các sản phẩm lưu niệm do các đối tượng đặc biệt (trẻ em khuyết tật, mồ côi…) làm ra. Quầy hàng sẽ thiết kế theo kiểu quầy xếp để thuận tiện trong việc trưng bày lẫn thu dọn.
“Hiện Trung tâm đang lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để việc đưa vào thí điểm các quầy hàng lưu niệm này đảm bảo tính mỹ thuật cao, phục vụ du khách được tốt nhất”, ông Bình nói.
Về lâu dài, theo ông Bình, sẽ đề xuất UBND thành phố nghiên cứu, xây dựng một điểm bán hàng lưu niệm tập trung tại khu vực đường Nguyễn Thái Học (đoạn từ ngã tư giao Trần Phú tới đoạn giao nhau đường Bạch Đằng) với các quầy hàng được sắp xếp theo hình xương cá; thời gian bán hàng từ 8h00’-22h00’ hàng ngày...
Ông Bình cho rằng, điểm này nằm cạnh chợ Hàn, vốn được du khách trong và ngoài nước biết đến như một trung tâm mua sắm lớn ở Đà Nẵng từ lâu nay. Điều này giúp cho khách du lịch có thể thoải mái mua sắm nhiều món đồ trong không gian vừa phải. Hơn nữa, đây cũng là điểm mà sau khi mua sắm, du khách có thể đi bộ dọc ven đường Bạch Đằng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cầu quay và cầu rồng một cách thuận lợi nhất.