Những năm gần đây, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Ngoài phát huy tốt nội lực dựa trên thế mạnh các tuyến điểm danh lam thắng cảnh tại địa phương, ngành du lịch Lào Cai còn đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh; biến di sản, văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc bản địa thành sản phẩm du lịch.
Đề án Phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015 đã triển khai thực hiện quy hoạch vùng du lịch gắn với sản phẩm du lịch tâm linh, cộng đồng tại các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại các địa bàn trọng điểm như đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên), đền Cô Tân An (huyện Văn Bàn).
Ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết: Thời gian qua, lượng khách du lịch tâm linh đến với Lào Cai khá đông. Điển hình là 2 điểm du lịch tâm linh nằm trong “Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bẩy” là: đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên) và đền Cô Tân An (huyện Văn Bàn), số lượng mỗi ngày từ 700 đoàn đến trên 1 vạn du khách trở lên; trong đó tháng giêng là tháng cao điểm, nhất là từ mồng 3 đến 15, mỗi ngày có tới 1.000 đoàn với 1,5 vạn lượt khách.
Ngoài ra, qua triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Lào Cai đã đưa các nội dung phát triển du lịch tâm linh vào chương trình họp bàn nhằm đưa ra các định hướng quy hoạch tổng thể xây dựng các tuyến, điểm du lịch tâm linh của vùng Tây Bắc. Ngành du lịch Lào Cai đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh mới thông qua chương trình “Biến di sản thành sản phẩm du lịch”, phát triển hệ thống các làng văn hóa thành làng du lịch cộng đồng tiêu biểu với những bản sắc, sản phẩm du lịch mang sắc thái riêng của từng dân tộc, từng địa phương. Qua đó, đánh thức tiềm năng du lịch của từng vùng đất văn hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh sẽ góp phần gia tăng sản phẩm du lịch phục vụ du khách, kích cầu phát triển ngành công nghiệp “không khói” của Lào Cai nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung.