Thủy phi cơ du lịch cao cấp
Cập nhật: 21/12/2012
Festival biển 2009 tại Nha Trang đã thu hút được sự chú ý của rất đông du khách trên mọi miền đất nước bởi lần đầu tiên có mặt của loại hình giải trí cao cấp - thủy phi cơ (seaplane). Năm 2002, Saigontourist cũng có kế hoạch sẽ hợp tác với Tổng công ty Hàng không Việt Nam để thực hiện dự án sử dụng phương tiện thủy phi cơ cho tuyến Sài Gòn - Côn Đảo sau khi nâng cấp sân bay Cỏ Ống (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Nên chăng có loại hình dịch vụ thủy phi cơ du lịch

Thực tế, năm 1992, vì bàng hoàng trước vẻ đẹp sống động chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), ông Jacques Yves Cousteau, thuyền trưởng tàu Calypso nổi tiếng đã phải dùng thủy phi cơ bay trên độ cao hơn 100m cùng 4 ca nô chuyên dùng tỏa ra khắp các điểm chợ để làm bộ phim tài liệu đặc sắc phát trên 100 đài truyền hình trên thế giới. Vậy mà trên thực tế, cho đến nay vẫn chưa có công ty nào phục vụ du lịch thủy phi cơ đầy lãng mạn.

Theo phân tích của một số chuyên gia du lịch, Việt Nam là một đất nước có bờ biển dài chạy từ Bắc xuống Nam với nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, thì việc dùng thủy phi cơ 4 chỗ để chụp ảnh phục vụ cho đa dạng hóa loại hình du lịch tại các vùng sông nước tại sao lại không có ở Việt Nam. Việt Nam có thể sử dụng máy bay vừa và nhỏ nói chung và thủy phi cơ nói riêng để du lịch và vận chuyển. Loại hình này sẽ thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa nền kinh tế và nền khoa học kỹ thuật của Việt Nam.

Cơ hội cho các công ty dịch vụ du lịch

Hiện nay, Công ty Công nghệ Hàng không phát triển sản phẩm hàng không công nghệ cao với vật liệu chế tạo máy bay bằng composite (SKB) của Nga đang tìm kiếm đối tác liên doanh đầu tư sản xuất và khai thác máy bay thủy phi cơ SD8 tại Việt Nam. Máy bay lưỡng dụng hạng nhẹ này có thể sử dụng để vận chuyển hành khách, hàng hóa, phục vụ đường bay quốc nội từ đất liền đi hải đảo, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, công vụ, cứu nạn, cứu hộ và cho doanh nhân. Thủy phi cơ SD8 rất hiệu quả cho việc khai thác đường bay đến các đảo với khoảng cách bay 2.100km. Không cần nạp nhiên liệu, với thời gian bay liên tục 8 tiếng, SD8 có thể bay được cả ban ngày và ban đêm và chở được tối đa 8 người. Máy bay cất cánh và hạ cánh đường băng bằng đất hoặc mặt nước.

Nhà máy A41 thuộc Cục Kỹ thuật quân chủng Phòng không - Không quân cũng vừa nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm thành công thủy phi cơ VNS-41. Trên cạn, máy bay VNS - 41 có thể cất cánh ngay sau khi chạy đà 50 - 70m và dưới nước đoạn đường chạy đà khoảng 200 - 300m. Loại máy bay này sử dụng cho nhiều mục đích: bay huấn luyện phi công, bay thể thao, du lịch, thương mại, bay tuần tra thám hiểm phục vụ bảo vệ rừng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp... Theo tin của nhà máy A41, chiếc VNS-41 có chiều dài 6,980m và được trang bị hai động cơ Rotax-582 loại 65Hp của Áo. Trọng lượng cất cánh lớn nhất là 780kg, có thể chở 3-4 người. Tốc độ bay đạt 120 - 135 km/giờ; độ cao bay tối đa 3.000m và tầm bay tối đa 300km. Đây là loại máy bay sử dụng xăng A92 với mức tiêu thụ của mỗi động cơ 19 - 22 lít/giờ (tổng lượng xăng máy bay có thể chứa là 80 lít). Đa số thân và cánh được làm bằng vật liệu composite cao cấp; mức độ nội địa hóa trên máy bay là 70%. Được biết, đã có ba chiếc VNS-41 xuất xưởng, bay thử và bàn giao đưa vào sử dụng. Ngoài ra, nhà máy A41 tiếp tục được giao sản xuất 4 chiếc VNS-41 với nhiều cải tiến. Giá chào bán mỗi chiếc chưa đến 2 tỷ đồng.

Công ty Hamexco với tham vọng của mình đang thực hiện và xây dựng dự án nhà máy lắp ráp thuỷ phi cơ dân dụng tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu sẽ hoàn thiện các mẫu thuỷ phi cơ nhỏ với tầm bay không quá xa, chở từ 4 đến 11 người nhằm mục đích xuất khẩu, kinh doanh và dịch vụ du lịch.Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch - cơ quan đang chủ trì nghiên cứu đề án phát triển du lịch biển đảo thì Trường Sa là quần đảo san hô điển hình mà không phải đảo nào ở Việt Nam cũng có. Môi trường ở đây rất trong lành, hầu như còn nguyên sơ, chưa bị tác động nhiều của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trường Sa có thể phát triển được các loại hình du lịch tàu biển, du lịch thể thao, du lịch sinh thái biển để nghiên cứu, trải nghiệm các giá trị về hệ san hô; du lịch cắm trại… Trong đề án cũng đề cập việc phát triển hạ tầng du lịch ở đây như xây dựng một sân bay Air Taxi dưới dạng thủy phi cơ, cầu cảng du lịch để có điều kiện thuận lợi hơn cho du khách. Nếu triển khai tích cực thì có thể có vị khách du lịch đầu tiên đúng nghĩa vào năm 2015.

Hải Phòng hiện nay cũng đang có 2 dự án: đảo Hoa Phượng - đảo nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam đang được xây dựng ở trung tâm khu du lịch, nghỉ mát Đồ Sơn và Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu resort 5 sao. Theo dự án, cả hai khu du lịch này đều sẽ xây các bến du thuyền, bãi đáp trực thăng và bãi đáp thủy phi cơ, … Hòn Dáu sẽ có thủy phi cơ phục vụ du khách đi Cát Bà - Hạ Long và đảo Long Châu.

Bản tin của Cục Hàng không Việt Nam ngày 25/11 vừa qua cũng cho biết, để đa dạng các loại hình dịch vụ hàng không, sau một thời gian nghiên cứu thị trường, Công ty Cổ phần Bầu Trời Xanh (TP.HCM) đã cho ra đời Hãng Hàng không Blue Sky, khai thác trực thăng, thủy phi cơ và tất cả các loại máy bay phục vụ chương trình MIA, bay du lịch, bay cấp cứu, bay tìm kiếm cứu nạn. Hiện nay Blue Sky đang đàm phán với 2 hãng trực thăng nổi tiếng trên thế giới là Eurocopter của Pháp và Bell của Mỹ để tiến hành các thủ tục cần thiết để mang 2 máy bay về Việt Nam và sớm đưa vào khai thác.

Baodulich.net.vn