Lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện kiến trúc thời Lý tại không gian điện Kính Thiên- Đoan Môn trong khuôn viên Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Ngày 26/12, tại Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Viện Khảo cổ học đã phối hợp Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội tổ chức hội thảo báo cáo kết quả thăm dò khảo cổ học Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012, các nhà khoa học đã tiến hành khai quật 500m² khu vực Bắc Đoan Môn. Tại đây, lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện kiến trúc thời Lý tại không gian điện Kính Thiên- Đoan Môn (số 9 Hoàng Diệu). Đây là kiến trúc chưa từng phát hiện tại Việt Nam, các nhà khoa học tạm gọi đó là một "kiến trúc nước" rất lớn rộng 2m, cao 2m. Dấu tích này được xây bằng gạch vuông, gạch bìa, đóng cọc gỗ chống lún chạy suốt chiều dài Đông- Tây. Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học, đây có thể là đường nước, bể chứa nước, đường hầm hoặc kiến trúc mang tính tâm linh... Cạnh đó là dấu tích móng tường thời Lý rộng 1,6m.
Cũng tại đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích kiến trúc thời Trần làm bằng gốm, gồm: dải trang trí hoa chanh; hệ thống cống thoát nước gồm hai nhánh chạy dọc theo hướng Bắc-Nam và Đông-Tây...; dấu tích kiến trúc thời Lê sơ gồm: Cấu trúc móng của ngự đạo thời Lê có hai rãnh thoát nước ở hai bên, nền gạch vuông và gạch vồ... Ngoài ra còn phát hiện một số dấu tích kiến trúc thời Nguyễn.
Từ những dấu tích được phát hiện, các nhà khảo cổ nhận định: Tại trục trung tâm tầng văn hóa Thăng Long- Hà Nội rất dày ở độ sâu từ 0,5m đến 4,2m gồm các lớp văn hóa từ thời Lý đến thời Nguyễn đan xen lẫn nhau và chồng xếp lên nhau tồn tại qua hàng nghìn năm lịch sử. Việc phát hiện này hé mở thêm những thông tin, đồng thời, đặt ra những vấn đề nghiên cứu tiếp theo về không gian của điện Kính Thiên, về vị trí Đoan Môn thời Lý, Trần và các kiến trúc khác trong Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Các nhà khoa học kiến nghị mở rộng không gian khai quật để làm rõ thêm những vấn đề đang đặt ra, qua đó làm rõ thêm giá trị khu di tích.
Theo GS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học, trong khi chờ đợi kế hoạch nghiên cứu và bảo tồn tổng thể cả khu vực khu di tích, Viện Khảo cổ học sẽ có biện pháp bảo vệ theo phương pháp đối với khu khai quật khảo cổ học này để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giới thiệu đến công chúng.