Trên vùng cao nguyên đá (CNĐ) Hà Giang có rất nhiều di sản văn hóa (DSVH) vật thể và cho đến nay đã có 05 di tích được xếp hạng đó là: Dinh thự Nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú; Phố cổ Đồng Văn; Đỉnh Mã Pì Lèng; Núi đôi Quản Bạ.
Điều đặc biệt là các DSVH này nằm rải rác trên địa bàn 4 huyện thuộc vùng CNĐ và tập trung nhiều ở huyện Đồng Văn, mặc dù vậy nhưng vẫn không gần nhau đó là điều kiện để xác lập các tour, tuyến du lịch trên vùng CNĐ. Tất cả đã tạo nên những giá trị di sản văn hóa vật thể trên vùng CNĐ Hà Giang.
Trong những năm qua, Hà Giang đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực DSVH. Hội đồng khoa học ngành tập trung nghiên cứu mang tính chuyên môn, xây dựng các đề án, dự án khoa học nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực DSVH đã được chú trọng và đi vào những đề tài mang tính cụ thể thực tiễn, có tác động rõ rệt đến công tác bảo tồn DSVH nói chung và vùng CNĐ nói riêng.
|
Làng văn hóa du lịch cộng đồng và sinh thái thôn Hạ Thành (xã Phương Độ, TP. Hà Giang)
|
Tuy nhiên, công tác đầu tư bảo tồn DSVH còn hạn chế, nguồn kinh phí chủ yếu do Nhà nước cấp mà chưa thu hút được nguồn vốn xã hội hóa nên ảnh hưởng đến công tác bảo tồn DSVH.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, từ năm 2010 đến hết năm 2011, đã có 320.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng CNĐ Hà Giang. Có thể coi đây là một sự gia tăng đột biến với ngành du lịch Hà Giang. Doanh thu từ du lịch đạt đến con số trên 280 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với thời kỳ 2009-2010. Các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng được ưu tiên phát triển thời gian qua đang đóng góp nhất định trong việc thu hút du khách đến với Hà Giang, cũng như góp phần vào sự tăng trưởng doanh thu từ ngành du lịch, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình vùng cao đá còn nhiều vất vả, khó khăn.
Mục đích khách du lịch trong nước và quốc tế đến du lịch Hà Giang chủ yếu là ngắm khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và tìm hiểu những DSVH của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng CNĐ.
Thiên nhiên, con người cùng những nét riêng biệt về văn hóa của mỗi dân tộc đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc mầu của vùng CNĐ Đồng Văn -tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng sinh thái đang chờ được thức dậy. Hà Giang xác định, xây dựng và phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm truyền thống được coi là một trong những chiến lược nhằm thu hút khách du lịch. Mấy năm qua, người dân nhiều địa phương cũng đã thu lợi từ các công việc như cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, phục vụ du khách ăn uống với các món ăn truyền thống, ẩm thực đặc sản của địa phương.
Tham gia làm du lịch cộng đồng, tính bình quân mỗi hộ có thu nhập từ 10-20 triệu đồng/năm (số tiền không nhỏ đối với mỗi hộ dân nơi vùng CNĐ). Tuy nhiên, lực lượng người dân tham gia làm du lịch và lợi ích khai thác từ du lịch cộng đồng cũng chưa nhiều, chưa phổ biến. Để du lịch phát triển trở thành một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh (du lịch - dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và công nghiệp chế biến), những nhà hoạch định chính sách Hà Giang chủ trương phát triển nhanh mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách.
Thực hiện chủ trương trên, trên địa bàn tỉnh hiện đã thành lập 46 làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được triển khai, trong đó có 29 làng đã chính thức ra mắt hoạt động. Từ năm 2012, với mong muốn bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, khai thác tối đa tiềm năng du lịch trên địa bàn cũng như tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân, Hà Giang đã quyết định xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới. Theo đó, sẽ có 12 làng văn hóa du lịch tiêu biểu dự kiến được xây dựng. Mỗi huyện có ít nhất một làng, riêng TP Hà Giang có hai làng theo những tiêu chí của tỉnh đề ra.
Để công tác bảo tồn và phát huy DSVH phát triển bền vững trên vùng CNĐ Hà Giang thì cần tiến hành đồng bộ các giải pháp: tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy DSVH, đầu tư ngân sách để bảo tồn và phát huy DSVH, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các di sản văn hóa; thường xuyên nâng cao chất lượng hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy DSVH; đảm bảo kết hợp gắn bó mối quan hệ biện chứng giữa bảo tồn DSVH và phát triển du lịch ở vùng CNĐ Hà Giang; tăng cường hoạt động xã hội hoá trong bảo tồn và phát huy DSVH; liên doanh liên kết với nước ngoài, thu hút nguồn vốn đầu tư để bảo tồn và phát huy DSVH; xây dựng kế hoạch nghiên cứu nhân cấy phục hồi tri thức, ngành nghề truyền thống, có chính sách hợp lý để bảo tồn và phát huy các báu vật nhân văn sống (nghệ nhân dân gian).
Hoạt động bảo tồn phát huy giá trị của các DSVH để phát triển du lịch trên vùng CNĐ Hà Giang đang là vấn đề đặt ra cho cả công tác bảo vệ phát huy giá trị DSVH và công tác phát triển ngành du lịch.