Tiền Giang mở thêm nhiều sản phẩm du lịch sinh thái mới dịp Tết cổ truyền
Cập nhật: 07/01/2013
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang, chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đã mang lại sinh khí mới, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới mẻ, tăng thêm sức hấp dẫn cho ngành du lịch địa phương, đồng thời giải quyết công ăn việc làm, thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn một cách hợp lý, hiệu quả.

Từ chủ trương trên, toàn tỉnh đã xây dựng được mạng lưới 14 điểm kinh doanh du lịch với 59 hộ nông dân tham gia ở 4 địa điểm chính trong các tour du lịch miệt vườn hấp dẫn: Cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), khu du lịch Cái Bè (huyện Cái Bè), cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) và khu du lịch biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông) đang được 26 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó có 16 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế khai thác một cách hiệu quả. Đáng chú ý, cùng khai thác hoạt động du lịch trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái miệt vườn hấp dẫn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, còn có mạng lưới phương tiện vận chuyển hành khách bằng đường thủy hết sức hùng hậu gồm 290 thuyền máy, 160 đò chèo giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định.

Để tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan phong cảnh sông nước Tiền Giang hữu tình, tỉnh đã mở thêm nhiều sản phẩm du lịch mới có tính hấp dẫn cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế như: du thuyền trên sông Tiền, tham quan vườn cây ăn trái đặc sản Tiền Giang, đò chèo trên sông rạch, nghe đàn ca tài tử, tham quan làng nghề truyền thống, dự đám cưới cổ truyền của người Nam bộ, thăm trại rắn Đồng Tâm – nơi có khu nuôi dưỡng rắn độc lớn nhất Đông Nam Á...Ngoài ra, còn có các tour đặc biệt được mở thêm vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền như: ăn Tết với dân Nam bộ, tham quan vùng trồng hoa cảnh nổi tiếng ngoại thành Mỹ Tho...

Nhờ xã hội hóa hoạt động du lịch, nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, các phong tục cổ truyền độc đáo tại miệt vườn sông nước Tiền Giang cũng được phát huy. Điển hình như nghề làm cốm kẹo, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và những nguyên liệu tại chỗ, nuôi ong mật, sinh hoạt đàn ca tài tử miệt vườn sông nước...tại các cù lao trên sông Tiền. Từ đó, tạo nên nét độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc ở những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh: cù lao Thới Sơn, cồn Rồng (thành phố Mỹ Tho); Xẽo Mây (Cái Bè). Nhờ vậy, lượng du khách đến Tiền Giang mỗi năm mỗi tăng và kinh doanh du lịch đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - văn hóa xã hội địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi năm Tiền Giang đón trên 1 triệu lượt du khách, doanh thu trên 237 tỉ đồng. Địa phương phấn đấu đến năm 2015 đón trên 1,46 triệu lượt du khách và doanh thu đạt trên 409 tỉ đồng.

ĐCSVN