Mùa hội Xuân này, hai lễ hội lớn của tỉnh là lễ hội Yên Tử (chính hội là mùng 10 tháng Giêng) và lễ hội Bạch Đằng (chính hội là 8/3 âm lịch) sẽ gắn với một sự kiện quan trọng của tỉnh, đó là đón bằng di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích Yên Tử và khu di tích Bạch Đằng. Chính vì vậy, nhiều nội dung sẽ được tổ chức với những nét mới hứa hẹn sự hấp dẫn, sinh động...
Với Yên Tử, các hoạt động chính của lễ khai hội Xuân năm nay sẽ không diễn ra ở lễ trường Yên Tử (khu vực bến xe Giải Oan, dưới chân núi Yên Tử) như mọi năm mà sẽ tổ chức tại khu vực chùa Trình; thời gian cũng được đẩy lên sớm 1 ngày vào tối mùng 9/3 âm lịch. Thông thường, tối ngày mùng 9, tại chùa Trình vẫn diễn ra lễ “mở cửa rừng” để hôm sau du khách và phật tử thập phương dự khai hội trong lễ trường Yên Tử rồi ngược núi hành hương tham quan, lễ phật. Năm nay sẽ là “ba trong một”, nghi lễ này sẽ làm cùng lúc với lễ khai hội với nhiều hoạt động như: rước lễ, gióng trống, thỉnh chuông khai hội, lễ cầu quốc thái dân an, đóng dấu thiêng Yên Tử và tổ chức biểu diễn nghệ thuật... Lễ đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ cho khu di tích lịch sử, danh thắng Yên Tử cũng được làm vào ngày này. Các hoạt động hội khác như: biểu diễn nghệ thuật, múa rồng lân, tổ chức các trò chơi dân gian sẽ tiếp tục được tổ chức vào ngày hôm sau tại chùa Trình và nhiều điểm khác là xã Thượng Yên Công, ga cáp treo, khu vực suối Giải Oan, lễ trường Yên Tử.
Cũng là “ba trong một” nhưng ở lễ hội Bạch Đằng thì hơi khác. Các hoạt động của lễ hội truyền thống sẽ kéo dài trong 4 ngày, từ 15 đến 18/4 (tức mùng 6/3 đến 9/3 âm lịch) tại các điểm di tích (gồm đình Đền Công (TP. Uông Bí), đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà và đình Yên Giang (TX. Quảng Yên)). Các nội dung lễ hội đa dạng, phần lễ gồm: tế lễ, tổ chức đại trai đàn cầu siêu cho các vong linh quân dân nhà Trần và cầu quốc thái dân an, lễ rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại. Riêng phần hội năm nay rất phong phú gồm các hoạt động văn hoá, văn nghệ và các trò chơi dân gian tổ chức tại các điểm di tích; đêm văn nghệ tại Bảo tàng Bạch Đằng và đặc biệt, vào ngày 7 và 8/3 âm lịch, giải đua thuyền chải truyền thống của các đội chải nam, chải nữ sẽ diễn ra trên Bến đò cổ gợi lại không khí sôi động mà oanh liệt, hào hùng của chiến thắng năm xưa. Lễ kỷ niệm 725 năm chiến thắng Bạch Đằng (1288-2013) và đón bằng Di tích quốc gia đặc biệt sẽ diễn ra vào ngày chính hội, tức mùng 8/3 âm lịch tại sân đền Trần Hưng Đạo. Trong đó, ngoài phần nghi lễ trang trọng, chương trình nghệ thuật chào mừng đặc biệt công phu là điểm nhấn thu hút đông đảo người xem với chủ đề “Bạch Đằng giang, bản anh hùng ca của dân tộc”.
Được biết, hiện nay cả Uông Bí và Quảng Yên đều đang “lên guồng” với khâu chuẩn bị về mọi mặt để phục vụ cho dịp lễ trọng này, nhất là với Uông Bí khi thời điểm lễ hội đang tới rất gần. Tuy nhiên, dù là sự kiện “ba trong một” với nhiều hoạt động nhưng chủ trương xã hội hoá về kinh phí được tỉnh quán triệt cao cho các địa phương, đơn vị liên quan. Vừa qua, về làm việc với TX. Quảng Yên, đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: “Thị xã cần xây dựng dự toán tổng thể về kinh phí để từ đó bố trí, tổ chức các hoạt động cho phù hợp... Lễ hội phải được tổ chức trên nguyên tắc xuyên suốt là: trang trọng, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả; đảm bảo sức lan toả rộng rãi ở địa phương, toàn tỉnh và trong khu vực; đảm bảo an toàn, an ninh trật tự cho đại biểu và nhân dân về dự lễ”.