Malaysia – thị trường khách du lịch tiềm năng của Việt Nam
Cập nhật: 25/01/2013
(TITC) - Châu Á – Thái Bình Dương được Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong sự tăng trưởng chung của du lịch khu vực, các nước ASEAN đóng góp một phần không nhỏ, trong đó Malaysia được đánh giá là một trong những nước đứng đầu về du lịch trên cả 2 phương diện: thu hút khách du lịch đến Malaysia (inbound) và người Malaysia đi du lịch nước ngoài (outbound). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xác định Malaysia là một trong những thị trường du lịch trọng điểm cần tập trung đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến nhằm tăng lượng khách du lịch từ thị trường này đến Việt Nam.

 

                                          (Nguồn ảnh: internet)

Tình hình phát triển du lịch của Malaysia

Malaysia là quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển nhất trong khu vực ASEAN và có những điều kiện văn hóa – xã hội tương đồng với Việt Nam. Đây cũng là đất nước rất thành công trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt là thương hiệu ”Malaysia – Châu Á đích thực” (Malaysia - Truly Asia). Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cũng rất quan tâm đầu tư cho ngành du lịch, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng du lịch với 184,94 triệu USD giai đoạn 1996-2000 và khoảng 630 triệu USD giai đoạn 2001-2005. Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2010, Malaysia là một trong 10 nước trên thế giới có lượng khách du lịch quốc tế đến nhiều nhất với 24,5 triệu lượt khách và doanh thu du lịch đạt 180,8 tỷ USD. Trong kế hoạch phát triển kinh tế của Malaysia, du lịch được xác định là ngành mang lại nguồn ngoại tệ lớn nhất và tạo ra nhiều việc làm cho đất nước.

Ngoài ra, do thu nhập của người dân ngày càng tăng, cộng với việc có nhiều ngày nghỉ lễ, tết, phép trong năm nên số lượng người Malaysia đi du lịch nước ngoài tăng liên tục, từ 4,2 triệu lượt (năm 2001) đến 6,6 triệu lượt (năm 2009). Mùa du lịch cao điểm của người Malaysia là vào tháng 1 và 2 (dịp năm mới theo lịch Trung Quốc), tháng 3 (lễ hội Hồi giáo Eid) và tháng 5, 9, 11, 12 (các kì nghỉ của trường học).

Đặc điểm của khách du lịch Malaysia

Internet, các nhận xét từ bạn bè và thông tin truyền miệng có ảnh hưởng lớn đối với việc lựa chọn điểm đến của du khách Malaysia. Họ thường tham khảo các website đăng tải các nhận xét, đánh giá của khách du lịch về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch như Lonely Planet hay TripAdvisor. Họ cũng quan tâm đến những thông tin được truyền tải trên mạng xã hội về điểm đến mà bạn bè và người thân trong gia đình đã từng tới.          

Những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn điểm đến của khách du lịch Malaysia là: an ninh/an toàn, khả năng tiếp cận, khả năng chi trả, ngôn ngữ, thực phẩm và giao thông. Khách trẻ tuổi thường kết họp giữa điểm đến “cổ điển kỳ lạcho kỳ nghỉ để trải nghiệm cuộc sống; trong khi khách gia đình/lớn tuổi lại thường xem xét yếu tố an ninh, khả năng tiếp cận để đảm bảo kỳ nghỉ diễn ra suôn sẻ, con cái của họ sẽ học hỏi và trải nghiệm được nhiều điều thú vị qua chuyến đi.   

Khi đi du lịch châu Á, du khách Malaysia thường lựa chọn các nhà hàng phục vụ đồ ăn theo phong tục đạo Hồi (Halal meals); sử dụng cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao hoặc căn hộ khép kín; chọn tour trọn gói với các sản phẩm mới, độc đáo; tour dành riêng cho người theo đạo Hồi, tour tập trung đối tượng giáo dục trẻ em và nhóm học sinh phổ thông; có quà tặng lưu niệm nhỏ cho các đoàn khách du lịch hoặc hình thức động viên khách hàng.

Những kết quả đã đạt được trong việc thu hút khách du lịch Malaysia

Trong những năm qua, Tổng cục Du lịch đã tổ chức một số hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường Malaysia như: tổ chức đêm Việt Nam (Vietnam Night) tại đảo Langkawi nhân dịp Diễn đàn du lịch ASEAN (năm 2005); tham gia hội chợ MATTA do Hiệp hội Lữ hành Malaysia tổ chức (năm 2007, 2008); quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN, BBC khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Malaysia (năm 2008, 2009, 2011); tham dự roadshow tại Kuala-lumpur với khoảng 60 doanh nghiệp và đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí của Malaysia (năm 2011); tham dự hội thảo xúc tiến đầu tư – thương mại – du lịch do Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức (năm 2012). Ngoài ra, một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã chủ động tổ chức các đoàn farmtrip sang tham quan, học tập kinh nghiệm tổ chức và phục vụ khách du lịch của Malaysia.

Nhờ những hoạt động tích cực trên, đặc biệt là từ khi hai nước miễn thị thực du lịch 30 ngày cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, những năm qua, lượng khách du lịch Malaysia đến Việt Nam liên tục tăng, từ 105.585 khách (năm 2006) lên 233.132 khách (năm 2011). Khách du lịch Malaysia biết đến Việt Nam chủ yếu qua thông tin trên báo chí hoặc bạn bè, người thân giới thiệu; qua các hãng lữ hành chuyên đưa – đón khách Malaysia sang Việt Nam; qua truyền hình, Internet và các hoạt động thông tin đối ngoại chung về hợp tác ASEAN, APEC…

Thuận lợi khó khăn của du lịch Việt Nam trong việc thu hút và phục vụ khách du lịch Malaysia.

Việt Nam hấp dẫn du khách Malaysia bởi nét văn hóa và phong cách sống độc đáo cùng với sự đa dạng, đặc sắc của hệ thống các bảo tàng, di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh, mua sắm, ẩm thực… Việt Nam còn là đất nước có sự ổn định về chính trị; quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển và được nâng lên một tầm cao mới; kinh tế Malaysia có sự tăng trưởng cao và bền vững; giữa hai nước có các chuyến bay thẳng, thời gian bay ngắn (dưới 4 tiếng); hợp tác du lịch trong các nước ASEAN được ưu tiên.

Tuy nhiên, Việt Nam còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách du lịch đạo Hồi, đặc biệt là thiếu hệ thống nhà hàng phục vụ các món ăn Hồi giáo (Hala food). Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch của các nước ngày càng trở nên khốc liệt. Rất nhiều nước coi Malaysia là một thị trường quan trọng và tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nhằm thu hút khách du lịch Malaysia, trong khi Việt Nam bị coi là kém cạnh tranh về giá các dịch vụ du lịch so với các nước trong khu vực.

Giải pháp tăng cường thu hút khách du lịch Malaysia và khách du lịch nước thứ 3 kết hợp du lịch Malaysia – Việt Nam

Để thu hút và phục vụ tốt khách du lịch Malaysia, ngành du lịch Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch: khai thác tối đa lợi thế của mạng thông tin toàn cầu để cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam cho người Malaysia; xây dựng những chương trình du lịch đến Việt Nam với giá phải chăng, hệ thống booking và thanh toán qua mạng đơn giản, tiện lợi; thường xuyên tham gia Hội chợ MATTA do Hiệp hội Lữ hành Malaysia chủ trì tổ chức thường niên vào tháng 5; mời đoàn báo chí Malaysia vào tìm hiểu thông tin, viết bài về các sản phẩm du lịch mới của Việt Nam; thực hiện đồng thời xúc tiến điểm đến và xúc tiến sản phẩm qua các kênh phân phối là các công ty lữ hành gửi khách Malaysia; tăng cường phối hợp với Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến du lịch Malaysia tại Hà Nội để trao đổi các biện pháp và hình thức xúc tiến hiệu quả, phù hợp với địa bàn của mỗi nước.

Nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm: xây dựng các sản phẩm cho khách du lịch đạo Hồi và các sản phẩm phù hợp với khả năng chi tiêu; phát triển hệ thống nhà hàng và trung tâm mua sắm; phát triển sản phẩm du lịch phục vụ các thị trường ngách.

Nhóm giải pháp về liên kết phát triển thị trường tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế từ nước thứ 3 kết hợp đến Malaysia và Việt Nam: trước mắt, Việt Nam nên chọn một số thị trường ở Châu Âu, Châu Mỹ như (Anh, Đức, Hà Lan, Mỹ, Canada...), Úc là những nước có số lượng khách du lịch đến Malaysia tương đối cao (trên 100.000 lượt khách/năm) để tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch chung. Để triển khai thực hiện việc này, Tổng cục Du lịch cần sớm trao đổi, thảo luận với Cơ quan du lịch quốc gia Malaysia về kế hoạch hợp tác cụ thể.

Việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch tại Malaysia không chỉ nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch Malaysia đến Việt Nam mà còn giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch của nước bạn, đồng thời tìm kiếm cơ hội khai thác các thế mạnh của Malaysia trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch chung của 2 nước nhằm tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

                                                                                         Phạm Phương

TLTK: Tổng cục Du lịch, Đề án Đẩy mạnh thu hút khách du lịch Malaysia đến Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015, tháng 6/2012