“Du lịch sẽ là một trụ cột của phát triển kinh tế bền vững”
Cập nhật: 01/02/2013
(TITC) - Đây là lời khẳng định của ông Taleb Rifai, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới diễn ra vào ngày 23/01/2013 vừa qua tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Thời gian qua, nền kinh tế thế giới phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ đến từ những sự bất ổn, suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn... Những yếu tố trên đặt ra nhiều thách thức trong năm 2013.

Trong bối cảnh đó, ngành Du lịch vẫn chứng tỏ được vai trò quan trọng duy trì và tạo động lực thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế các quốc gia. Năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới đã cán mốc lịch sử 1 tỷ lượt và cùng với đó là khoảng 5 tỷ lượt khách du lịch nội địa. Dự báo đến năm 2030, lượng khách quốc tế toàn cầu sẽ đạt tới 1,8 tỷ lượt.

Theo Tổng thư ký Taleb Rifai, có 5 lý do chính để ngành Du lịch sẽ trở thành một trụ cột để phát triển kinh tế bền vững trên thế giới:

1. Du lịch tạo ra nhiều việc làm hơn so với nhiều ngành khác

Du lịch là một trong những ngành đòi hỏi cao về nguồn nhân lực và tạo ra việc làm tương đối cao so với các ngành khác. Số liệu thống kê cho thấy, ở châu Âu trong thập kỉ qua, tốc độ tăng trưởng bình quân việc làm trong ngành du lịch luôn luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành.

Hơn thế nữa, du lịch không những tạo ra của cải và việc làm cho nội bộ ngành du lịch mà còn cho cả những ngành khác nữa. Vào thời điểm nhiều ngành kinh tế phải đối mặt với những khó khăn về tiêu dùng trong nước thì du lịch không những trực tiếp mang lại doanh thu từ xuất khẩu, mà còn gián tiếp tác động đáng kể thông qua chuỗi giá trị to lớn của ngành.

2. Du lịch là một trong những ngành kinh tế có khả năng phục hồi cao

Khả năng phục hồi là yếu tố quan trọng khi phải đối mặt với giai đoạn khó khăn, thể hiện ở tính linh hoạt, khả năng thích ứng trong khi hoàn cảnh thay đổi và khả năng phục hồi sau khủng hoảng. Thực tế trong thập kỉ qua, chúng ta có thể thấy lượng khách du lịch quốc tế chỉ giảm ba lần: năm 2001 (giảm 0,4%) sau sự kiện 11/9, năm 2003 (giảm 1,6%) khi dịch SARS hoành hành và năm 2009 (giảm 3,8%) khi xảy ra suy thoái kinh tế thế giới. Điều quan trọng hơn là sau những thời điểm đó, nhu cầu  du lịch tăng trưởng trở lại mạnh mẽ hơn. Có thể nói, nếu trong những thời điểm bình thường du lịch có vai trò quan trọng, thì trong thời điểm khủng hoảng du lịch có vai trò sống còn.

3. Du lịch giúp giảm nghèo và hỗ trợ phát triển

Du lịch chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia đang phát triển và chính các quốc gia này với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú sẽ được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Du lịch ngày càng trở thành một công cụ hiệu quả hỗ trợ phát triển.

4. Du lịch đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc đã xác định du lịch là 1 trong 10 ngành góp phần quan trọng vào “xanh hóa” nền kinh tế toàn cầu. Nếu được đầu tư thích đáng, du lịch có thể là nhân tố then chốt dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng xanh hóa thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm nguy cơ suy thoái môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho khách du lịch.

5. Du lịch đóng góp xây dựng hòa bình thế giới và hiểu biết lẫn nhau

Một nhà báo Tây Ban Nha nói: “Du lịch làm chúng ta trở nên tốt đẹp hơn”. Du lịch mang mọi người đến gần nhau hơn và có tiềm năng to lớn trong việc phòng ngừa và giải quyết các xung đột. Đồng thời, du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng giúp các quốc gia phục hồi sau khủng hoảng, xung đột, đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng.

                                                                                                                                                                                           Thu Thủy