Du lịch làng nghề, xu hướng du lịch ưa thích ở Phú Yên
Cập nhật: 01/02/2013
Qua thời gian, nhiều làng nghề ở Phú Yên đã tồn tại, phát triển trở thành làng nghề truyền thống, là tài nguyên quý cho phát triển du lịch hiện đại.

Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, những làng nghề truyền thống đang dần lấy lại vị trí, hình ảnh trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Làng nghề khắc họa nét riêng biệt, độc đáo không thể thay thế. Phát triển du lịch làng nghề đã và đang được xem là một hướng đi đúng đắn, phù hợp theo xu hướng du lịch hiện đại.

Sản phẩm làng nghề du lịch

Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu trong quá trình du lịch của du khách, bao gồm: Sản phẩm du lịch đặc trưng (là những sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, tạo ra mục đích của khách du lịch tại điểm đến như: danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, nơi nghỉ mát, chữa bệnh, tham quan...); sản phẩm du lịch cần thiết (những sản phẩm phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong quá trình đi du lịch như phương tiện vận chuyển, ăn, nghỉ...); sản phẩm du lịch bổ sung (là những sản phẩm phục vụ các nhu cầu phát sinh trong quá trình du lịch).

Như vậy, làng nghề vừa là sản phẩm du lịch đặc trưng khi làng nghề đó có khả năng hấp dẫn, thu hút du khách, vừa là sản phẩm du lịch bổ sung khi tạo ra những mặt hàng lưu niệm cho du khách.  

Phú Yên hiện có khoảng 12 làng nghề, trong đó phải kể đến những làng nghề được nhiều người biết đến, như: Làng nghề đan lát Vinh Ba, làng nghề bánh tráng Hòa Đa, làng rau Ngọc Lãng, làng chiếu cói Cù Du… Nhưng hiện nay, hầu hết người dân tại các làng nghề vẫn chưa có khái niệm quảng bá, kết hợp du lịch với làng nghề của mình, có chăng chỉ một vài công ty du lịch tự tổ chức đưa khách đến tham quan. Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân làng nghề thấy được sự kết hợp giữa du lịch và làng nghề là sự phát triển bền vững, là một vấn đề lớn cần thời gian và các giải pháp đồng bộ để có thể tạo nên sản phẩm du lịch làng nghề. Các đơn vị lữ hành mở tour, tuyến, điểm du lịch gắn với làng nghề, phát triển thành các chương trình homestay giới thiệu đến du khách nước ngoài; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nắm chắc về lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống làng nghề của tỉnh.

Cần nhiều sản phẩm cho nhu cầu mua sắm

Ở nhiều địa phương, tài nguyên làng nghề truyền thống đang được ngành du lịch khai thác một cách tích cực tạo nên sản phẩm riêng biệt, đặc trưng. Mặc dù, Phú Yên có chủ trương gắn làng nghề với phát triển du lịch; các đơn vị lữ hành cũng đã có nhiều cố gắng xây dựng nhiều tour, tuyến nhưng vẫn chưa định hình được sản phẩm làng nghề du lịch. Thế nhưng lượng khách du lịch ít và hầu như chỉ đến một lần là do làng nghề chưa được đầu tư một cách bài bản có hệ thống về cơ sở hạ tầng kỹ thuật; người dân làng nghề chưa nhận thức đầy đủ về việc của mình gắn với du lịch; sản phẩm làng nghề khá phong phú, nhưng sản phẩm phục vụ khách du lịch của làng nghề vừa thiếu, vừa yếu; thiếu đội ngũ hướng dẫn viên lành nghề có thể nắm chắc thông tin về sự phát triển, về những nghệ nhân của các làng nghề.

Khách du lịch đều có nhu cầu mua sắm, nhất là những sản phẩm để làm quà lưu niệm đặc trưng của vùng, miền, làng nghề và nghệ nhân điển hình. Làng nghề gắn với du lịch cần tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu của du khách. Muốn vậy, sản phẩm đặc trưng của từng làng nghề ở từng địa phương cần được ưu tiên phát triển đa dạng. Trong đó, việc nghiên cứu thị trường, tâm lý du khách để sản xuất, chế tác các đồ lưu niệm, quà tặng phục vụ theo nhu cầu, thị hiếu cần được quan tâm, bằng cách sử dụng nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có và đảm bảo thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Chúng ta có thể dùng một loại nguyên liệu làm vật phẩm, cũng có thể kết hợp hai hay nhiều loại nguyên liệu, chất liệu ghép thành một sản phẩm, nhằm tạo hiệu ứng thẩm mỹ và hiệu quả kinh tế - văn hóa cao hơn cho các sản phẩm ấy.

Xét về lợi ích kinh tế, các làng nghề và ngành du lịch đều được thụ hưởng kết quả từ hoạt động tiêu thụ sản phẩm du lịch làng nghề. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch và người làng nghề cần phải chủ động làm du lịch, tạo ra sản phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu của du khách. Làng nghề và ngành du lịch là hai chủ thể cần có sự cộng sinh chặt chẽ, để cùng phát triển.

Báo Phú Yên