Sáng 16/02, tại Hà Nam đã tổ chức Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn năm 2013, tái hiện lại cảnh vua đi cày cầu mong một năm mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.
Đây là năm thứ 5 Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn được khôi phục lại và là năm thứ 2 được tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Lễ hội diễn ra trong các ngày từ 14 đến 16/2 (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng).
Về dự lễ hội Tịch Điền có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các sở, ban, ngành cùng hàng nghìn người dân tỉnh Hà Nam và một số tỉnh lân cận đến xem.
Mặc dù sáng 16/2 mới là ngày chính thức khai hội nhưng không khí đã tràn ngập khắp xã Đọi Sơn từ nhiều ngày qua. Từ ngày 14/2, các trò chơi dân gian truyền thống đã được tổ chức.
Trong ngày mùng 7 tháng giêng, tức ngày 16 tháng 2 năm Quý Tỵ là các nghi thức: rước trống, rước linh vị Vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi, đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây Vua Lê Đại Hành đã đi cày.
Sử sách ghi lại,Lễ hội Tịch điền lần đầu tiên diễn ra vào thế kỷ thứ 10 ở tỉnh Hà Nam, quê hương của Vua Lê Đại Hành. Mùa Xuân năm 987, Vua Lê Đại Hành cùng bá quan văn võ đi cày ruộng ở xã Đọi Sơn rồi thấy dưới đất một chiếc chum vàng. Một năm sau vua đi cày ở Bàn Hải thì bắt được một chiếc chum bạc. Từ đó những thửa ruộng này được nhà vua đặt tên là Kim Ngân Điền (ruộng của vua) nay thuộc xã Đọi Sơn, Duy Tiên.
Hàng năm cứ mỗi dịp đầu Xuân, nhà vua lại xắn long bào cùng văn võ bá quan xuống đồng cày ruộng cầu cho dân chúng no ấm, hạnh phúc. Lễ hội này được duy trì qua nhiều thế kỷ nhưng đến đời Vua Khải Định thì dần mai một. Năm 2009, nhằm lưu giữ những phong tục truyền thống bị đánh mất, lễ hội tịch điền được khôi phục và tổ chức tại xã Đọi Sơn. Việc quan trọng nhất là cử ra người đóng giả vua để tái hiện lại cảnh đi cày.
Sau màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam sẽ là màn múa rồng. Sau đó, lão nông được tái hiện lại hình ảnh Vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo Vua Lê và Thần Nông, sau đó đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua sẽ là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua cày xong, các vị lãnh đạo địa phương và các lão nông sẽ xuống cày 9 sá.