Phát triển du lịch thăm chiến trường xưa
Cập nhật: 28/02/2013
(TITC) - Ngày 22/02/2013, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã chủ trì buổi hội thảo về xây dựng đề án Chương trình du lịch thăm chiến trường xưa do Vụ Thị trường du lịch chủ trì nghiên cứu. Tham dự hội thảo có các lãnh đạo TCDL, lãnh đạo các đơn vị cùng đông đảo chuyên viên thuộc TCDL. 

Trong lịch sử dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, nhất là trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã diễn ra bao trận chiến khốc liệt, để lại trên khắp Việt Nam hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng phong phú về số lượng, đa dạng về thể loại và có tầm cỡ về nội dung. Đây là di sản vô giá của dân tộc ta.

Thăm chiến trường xưa phù hợp với truyền thống nhân văn cao đẹp, đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân Việt Nam. Đối tượng khách du lịch chiến trường xưa là các cựu chiến binh, thân nhân, bạn bè của những người đang sống và đã hy sinh; lớp trẻ muốn tri ân công lao của cha anh; những người yêu hòa bình, nhà nghiên cứu lịch sử muốn đến Việt Nam để thăm, trải nghiệm và suy ngẫm về một thời chiến tranh. Du lịch không chỉ đơn thuần là tham quan, nghỉ dưỡng mà còn có ý nghĩa và vai trò nhiều mặt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đa số những địa danh lịch sử gắn với chiến tranh tại Việt Nam còn nghèo, phát triển du lịch thăm chiến trường xưa sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, giao lưu văn hóa, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, du lịch thăm chiến trường xưa còn là hoạt động ngoại giao nhân dân tích cực và hiệu quả, hướng tới hòa bình, hợp tác, hữu nghị.

Thực tiễn cho thấy loại hình du lịch hoài niệm chiến trường xưa được triển khai tại Quảng Trị và một số tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc trong những năm qua đã mang lại những kết quả khả quan. Hệ thống di tích được đầu tư tôn tạo, nâng cấp, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được cải thiện, các dịch vụ du lịch ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, lượng khách du lịch nội địa gia tăng, bước đầu thu hút được khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân địa phương.

Tuy nhiên, để khai thác đầy đủ tiềm năng của loại hình du lịch thăm chiến trường xưa, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng tốt, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế, việc xây dựng đề án Chương trình du lịch thăm chiến trường xưa là cần thiết. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và ý nghĩa to lớn của du lịch thăm chiến trường xưa, đề án có mục tiêu nghiên cứu tổng thể các di tích lịch sử cách mạng, hiện trạng thu hút khách, những khó khăn, tồn tại, trên cơ sở đó đề xuất về công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng sản phẩm và thực hiện các hoạt động xúc tiến trong giai đoạn 2013-2015 và các năm tiếp theo nhằm thu hút khách trong nước và quốc tế.

Các đại biểu tham dự đánh giá cao nỗ lực thực hiện đề án của đơn vị soạn thảo và đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện và bảo đảm tính khả thi của đề án như: lập kế hoạch thực hiện, xác định rõ thị trường khách, đặt ra các mục tiêu cụ thể về số lượng khách, tổng thu sẽ đạt được trong từng giai đoạn, tăng cường liên kết, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng được các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn,…

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn chỉ đạo đề án cần tránh dàn trải, chú trọng định hướng phát triển một dòng sản phẩm. Trước mắt nên tập trung vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp – Mỹ tại một số địa phương có hệ thống di tích chiến tranh nổi bật như Điện Biên với hệ thống di tích chiến thắng Điện Biên Phủ; Quảng Trị với địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn...; Quảng Nam – Quảng Ngãi với tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, chứng tích Sơn Mỹ...; TP Hồ Chí Minh với Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hội trường Thống Nhất...; Tây Ninh với núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam...

Bài: Hương Lê, Ảnh: Lê Trung