Du lịch Vĩnh Phúc trên đường hội nhập
Cập nhật: 28/03/2013
Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Cùng với chủ trương lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đến nay, trên địa bàn Vĩnh Phúc đã hình thành các khu du lịch tầm cỡ: Du lịch lễ hội - tín ngưỡng có khu Di tích danh thắng Tây Thiên; các khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo, Đại Lải; Khu Du lịch sinh thái sông Hồng Thủ đô - Bắc Đầm Vạc và các sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch lễ hội - tín ngưỡng; du lịch sinh thái; du lịch hội nghị hội thảo; du lịch tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch thể thao; du lịch vui chơi giải trí. Một số lễ hội đã thực hiện tốt công tác xã hội hoá, tạo nguồn lực tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa và đầu tư mở rộng, nâng cấp về quy mô tổ chức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Lễ hội Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo), Lễ hội chọi Trâu (xã Hải Lựu, huyện Sông Lô), Lễ hội đền Ngô Tướng Công (thị xã Phúc Yên), Lễ hội đền Thính (xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc)… Đặc biệt, trong năm qua, tỉnh đã khởi công xây dựng và đẩy nhanh tiến độ tu bổ, tôn tạo những công trình văn hóa trọng điểm như Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, Khu Di tích danh thắng Tây Thiên.

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 04/11/2011 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2020, nhiều khu, điểm du lịch mới của tỉnh đã được quy hoạch, lập dự án kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, việc liên liên kết, hợp tác phát triển giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là với Tuyên Quang, Thái Nguyên được đẩy mạnh, bước đầu đem lại hiệu quả. Trong năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Vĩnh Phúc đã phát động và trao Giải thưởng cuộc thi sáng tác biểu trưng và logo Du lịch của tỉnh; xây dựng kế hoạch mở 2 lớp tập huấn nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên giới thiệu di tích và lễ tân khách sạn - nhà hàng.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 10 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, trong đó 3 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 204 cơ sở lưu trú du lịch (có 1 khách sạn 4 sao; 1 khách sạn 3 sao, 24 khách sạn 2 sao và 14 khách sạn 1 sao với 3.434 phòng nghỉ). Năm 2012, ước tính du lịch Vĩnh Phúc đón được gần 1,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế xấp xỉ 27 nghìn lượt, tổng doanh thu ước đạt 864,5 tỷ đồng (trong đó doanh thu du lịch thuần tuý chiếm 45%, tăng 3% so với năm 2011). Từ đầu năm 2013 đến nay, lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc có chiều hướng tăng so với năm trước, trong đó Khu danh Thắng Tây Thiên ước tính đã đón trên 20 vạn lượt khách.

Để đạt được mục tiêu đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc đang phối hợp với các ngành liên quan tiến hành xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh; khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu chuẩn bị nội dung Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, dịch vụ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2020; phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu lập Dự án phát triển làng văn hóa - du lịch cộng đồng tại xã Đạo Trù và xã Đại Đình, huyện Tam Đảo.

Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế; xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch để khai thác hiệu quả hơn các danh lam thắng cảnh Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc..., xây dựng Tam Đảo thành huyện trọng điểm về du lịch. Các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm của tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh làm chủ đầu tư sẽ được đẩy nhanh tiến độ, bao gồm: Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc, tiếp tục tôn tạo khuôn viên đền Thượng, đền Thỏng thuộc Khu Di tích - danh thắng Tây Thiên; cụm di tích đền thờ Đức Bà, đình Cả và chùa Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương); tu bổ, tôn tạo các hạng mục phụ trợ thuộc khu nội vi di tích đền thờ Tả Tướng quốc Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch); cụm Di tích đình Hương Canh (thị trấn Hương Canh); tổ chức khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo di tích đền Thính (xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc). Cơ quan quản lý nhà nước sẽ định hướng và hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch; xây dựng thêm những tuyến du lịch đặc sắc, có tính liên kết vùng nhằm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có thương hiệu, phát triển bền vững.

Đặc biệt, trong tháng 3 năm 2013, tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch 3 tỉnh Vĩnh Phúc - Tuyên Quang - Thái Nguyên; tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về vùng đất và con người Vĩnh Phúc; củng cố, khơi dậy các phong trào văn hóa - văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Vĩnh Phúc.

Baodulich.net.vn