Khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống được tỉnh Thừa Thiên Huế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, qua đó, nhằm bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa Huế, văn hóa dân tộc, giải quyết tốt công ăn việc làm, tăng thu nhập, làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng thành công nông thôn mới.
Các làng nghề truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên Huế đều có bề dày lịch sử lâu đời. Trong quá trình phát triển, các làng nghề ở Thừa Thiên Huế đã trải qua nhiều bước thăng trầm, khó khăn, nhất là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế… Trước thực trạng ấy, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nhiều nguồn lực để hỗ trợ đầu tư vốn cho các làng nghề; giao cho thành phố Huế định kỳ 2 năm một lần (các năm lẻ) tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế; đưa vào khai thác một số tour du lịch tham quan làng nghề như đúc đồng (Phường Đúc), mộc mỹ nghệ (Mỹ Xuyên), dệt zèng (A Lưới); lập thủ tục công nhận nghề, làng nghề cho các làng nghề truyền thống (mây tre đan Bao La, Thủy Lập, bún bánh Ô Sa…); khuyến khích các hộ sản xuất trong các làng nghề mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị vừa tiết kiệm sức lao động vừa tăng năng lực sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng đến chất lượng nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tự tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm… Bằng nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả của Tỉnh; sự tích cực của các hộ sản xuất đã giúp cho các làng nghề truyền thống ngày càng được khôi phục và phát triển. Đến nay, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.600 cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống và có khoảng 28 làng nghề truyền thống và làng nghề thủ công mỹ nghệ hoạt động sản xuất khá ổn định như đúc đồng (phường Đúc), cẩn – khảm xà cừ (Bao Vinh), điêu khắc (Mỹ Xuyên), kim hoàn (Kế Môn), hoa giấy (Thanh Tiên), tranh giấy (làng Sình),… Ước tính, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đối với sản xuất tiểu thủ công nghiệp của tỉnh trên 15%; giá trị sản xuất của các làng nghề truyền thống và làng nghề tiểu thủ công nghiệp cũng chiếm gần 50% giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Điều này cho thấy, sự phát triển ổn định của các làng nghề không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người dân (hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động) mà còn làm phong phú thêm địa chỉ trên bản đồ du lịch của tỉnh… nhưng quan trọng hơn là bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung, tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Trong chiến lược sắp tới, tỉnh cũng đã xác định rõ mục tiêu là gắn kết chương trình khôi phục, phát triển làng nghề với chương trình phát triển dịch vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động các tour du lịch làng quê, làng nghề; phát triển các quầy bán hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ tại đô thị trung tâm và điểm du lịch; tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủ công, truyền thống; khuyến khích, vận động hình thành hợp tác xã, doanh nghiệp trong các làng nghề để làm hạt nhân phát triển làng nghề…
Thiết nghĩ với sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn của tỉnh trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, sẽ giúp cho các làng nghề ngày càng hoạt động tốt hơn, đóng góp thiết thực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nhất là thực hiện có hiệu quả công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa Huế, văn hóa dân tộc mà tỉnh đã xác định.