UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định cho phép Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức các hoạt động dịch vụ trong quần thể di tích Cố đô Huế từ năm 2013 trở đi. Đây là vấn đề mới, góp phần tạo nên không gian sống động trong quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút khách du lịch. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu nguồn thu dịch vụ đạt tỷ trọng 30% so với nguồn thu bán vé tham quan trong hệ thống di tích Cố đô Huế.
Vấn đề là tổ chức thế nào để vừa đảm bảo mỹ quan, lại không ảnh hưởng đến môi trường văn hoá của di tích đang thu hút sự quan tâm của dư luận hiện nay ở Thừa Thiên - Huế. Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Trong đề án phát triển dịch vụ nhằm phát huy giá trị di tích Cố đô Huế từ nay đến năm 2020, đơn vị hướng đến việc khai thác và quảng bá khu di sản văn hoá Huế là điểm đến tham quan, mua sắm hấp dẫn, thể hiện tính văn minh, tiện ích trong chuỗi di sản của khu vực miền Trung và cả nước. Trên cơ sở đó, trung tâm dự tính tổ chức 51 đầu việc ở 11 khu vực khác nhau trong phương án phát triển. Trong đó, có những việc đã làm, có hiệu quả như việc đưa Nhà hát Duyệt Thị Đường và Minh Khiêm Đường vào hoạt động. Các dịp Festival Huế, các hoạt động tái tạo lại không gian sống trong các lễ hội của chốn cung đình xưa, trưng bày, triển lãm cổ vật cung đình, việc nghiên cứu và trải nghiệm của du khách đối với giá trị di sản Huế được tăng lên rất nhiều...
Tuy nhiên, việc thực hiện này mới chỉ ở diện hẹp và chưa thật sự phong phú, nên chưa tạo được sự thu hút của du khách, hiệu quả về kinh doanh còn thấp. Giá trị doanh thu dịch vụ của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế trong năm 2012 bước đầu chỉ đạt 10 tỷ đồng, bằng hơn 10% so với tổng doanh thu 105 tỷ đồng từ nguồn vé tham quan của đơn vị là quá thấp. Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức kết nối 8 tuyến, điểm với nhau trong khu di sản với rất nhiều điểm dừng chân để du khách có thể tham quan, thưởng lãm và mua sắm hàng lưu niệm. Đó là: Khu vực Kinh thành - Hoàng thành; cụm di tích Võ Miếu - Văn Miếu - Khải Thánh Từ; cụm di tích lăng Tự Đức - Đồng Khánh - Kiên Thái Vương - đồi Vọng Cảnh - các lăng mộ hoàng gia khác (chân đồi Vọng Cảnh); cụm di tích Lăng Thiệu Trị - điện Hòn Chén - lăng Hiếu Đông - lăng Cao Hoàng (lăng Cơ Thánh); cụm di tích lăng Gia Long và lăng các chúa Nguyễn ở thượng nguồn sông Hương, khu vực lăng Minh Mạng, khu vực lăng Khải Định; cụm di tích Hổ Quyền - Voi Ré; cụm di tích Cung An Định, cụm di tích Đàn Nam Giao và khu vực Phu Văn Lâu - Nghinh Lương Đình. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng mở rộng liên doanh, liên kết để khai thác dịch vụ thuyền cung đình và các hoạt động ẩm thực cuối tuần tại các điểm di tích như Đại Nội, cung An Định... để thu hút du khách. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng tổ chức các hoạt động về đêm tại Đại Nội - Huế vào dịp các "Tuần lễ vàng du lịch" trong năm 2013. Dự kiến đợt 1 diễn ra từ ngày 21/4 - 27/4; đợt 2, từ ngày 2/9 - 8/9 và đợt 3, từ ngày 24/12 - 30/12. Trong các tuần lễ vàng du lịch này, hàng đêm sẽ có các trò chơi cung đình, lễ tái hiện phiên đổi gác cung đình tại phía trước Ngọ Môn - Đại Nội - Huế, chương trình ca Huế tại cung Trường Sanh, xem biểu diễn Đại nhạc và Tiểu nhạc.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với UBND thành phố Huế cũng như chính quyền địa phương sắp xếp lại hệ thống cửa hàng, xây dựng thêm các ki ốt mẫu nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch…