Khôi phục và phát triển du lịch cộng đồng, hướng đi mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều
Cập nhật: 29/03/2013
Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Công tỉnh Quảng Trị từ năm 2009 đến năm 2013 do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ là dự án góp phần khôi phục và phát triển du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều.

Cụ thể là dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nhỏ phục vụ du lịch cộng đồng tại bản Kalu, xã Đakrông, huyện Đakrông và xây dựng Trung tâm Thông tin Du lịch tại trị trấn Lao Bảo, hệ thống biển báo dọc quốc lộ 9 với tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng.

Bản Kalu, xã Đakrông, huyện Đakrông có 58 hộ, chủ yếu là người Bru – Vân Kiều. Dân làng ở phía trên triền đồi, dọc theo trục đường quốc lộ 9 và ở phía bên kia dòng suối Kalu. Qua khảo sát, thống kê của các ngành chức năng cho thấy, văn hoá vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở đây đang có nguy cơ mai một.

Điển hình của văn hóa vật thể là kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Bà con làm nhà với mặt chính hướng về nơi các con suối, lưng tựa vào những quả đồi làm thế án ngữ, cũng như tạo cho ngôi nhà ấm cúng và vững chắc. Các đầu nóc nhà này không được đâm vào các đầu nóc nhà kia. Hình thức bố trí dạng làng phòng thủ. Nguyên liệu chủ yếu để làm nhà là gỗ, mây, tre, nứa, lá tranh, lá mây, lá cọ. Những ngôi nhà sàn của đồng bào Vân Kiều rất vững chắc, đảm bảo khoảng 30 năm. Các nghề truyền thống, trang phục truyền thống, công cụ lao động, săn bắt thú rừng và đánh bắt cá, được đồng bào Vân Kiều sử dụng từ nguyên liệu thô sơ sẵn có ở núi rừng để chế tác và thể hiện rất rõ bản sắc riêng của đồng bào Vân Kiều. Văn hoá phi vật thể của đồng bào Vân Kiều cũng rất phong phú với lễ cúng cơm mới, lễ cúng thần làng, lễ hội đâm trâu, lễ tỉa lúa, lễ ăn mừng nhà mới, lễ Calơ (lễ kết nghĩa anh em)... được tổ chức định kỳ tại các thời điểm nhất định trong năm.

Đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở Kalu còn nhiều khó khăn. Vì vậy, dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Công là hướng đi mới, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển tiềm năng du lịch cộng đồng ở đây. Với tổng kinh phí hơn 21,9 tỷ đồng, dự án tập trung đầu tư, quy hoạch 31 hộ trong thôn, trong đó có 21 hộ được bảo tồn kiến trúc nhà cổ với 11 nhà được phục dựng lại nhà cổ nguyên trạng, số còn lại xây mới theo mô hình nhà sàn của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Dự án cũng có các chương trình đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và cộng đồng dân cư tại các vùng hưởng lợi về du lịch cộng đồng. Văn hóa phi vật thể của đồng bào như lễ cúng cơm mới, lễ cúng thần làng, lễ hội đâm trâu và nghệ thuật âm nhạc cũng được dự án đầu tư kinh phí bảo tồn.

Để làm cơ sở phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đóng góp cho tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính khẳng định: Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Đakrông là cần thiết và cần có sự thống nhất phối hợp giữa chính quyền và nhân dân địa phương, trong đó, người dân là chủ thể của dự án. Các ngành chức năng của tỉnh và huyện Đakrông đang tiến hành tích cực, khẩn trương để dự án chính hoàn thành trước tháng 6/2013. Sau khi hoàn thành du lịch cộng đồng truyền thống ở bản Kalu, xã Đakrông, huyện Đakrông sẽ trở thành địa chỉ văn hoá du lịch sinh thái điển hình của Quảng Trị trong tuyến du lịch miền Trung và trên hành lang kinh tế Đông -Tây.

ĐCSVN