Vừa qua, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp, UBND tỉnh Lâm Đồng, Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo về Cơ chế chia sẻ lợi ích tại Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình tiến hành dự án với tên gọi “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà”.
Dự án được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và đã được triển khai vào tháng 1/2010 nhằm tăng cường năng lực của Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (VQGBDNB) trong việc quản lý các tài nguyên thiên nhiên thông qua một mô hình quản lý hợp tác. Để đạt được mục đích này, ba hợp phần chính đã được thiết kế và thực thi, đó là Quản lý hợp tác (CM), du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (CBET) và các lựa chọn sinh kế thân thiện với môi trường (EFLO). Các hợp phần này tương tác nhau, tập trung vào sự hỗ trợ các thôn mục tiêu, gồm Đạ Blah, Đạ Ra Hoa và Đạ Tro ở xã Đa Nhim, Bon Đưng I ở Thị trấn Lạc Dương và Bonnor B ở xã Lát, nhằm cải thiện sinh kế của họ để giảm sự phụ thuộc vào rừng, và đồng thời, gia tăng sự hợp tác có hiệu quả của người dân trong các thôn này với Ban quản lý Vườn quốc gia trong việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của chính họ.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, trong quá trình triển khai dự án cho thấy, dự án khởi động từ đầu năm 2010 và kết thúc vào cuối năm 2013, thời gian còn lại chưa đầy một năm. Do đó, những vấn đề liên quan đến phát triển năng lực cho CEEE và thành viên cộng đồng phải được hoàn tất trong thời gian này. Dự án phát triển mô hình du lịch sinh thái trong điều kiện vô cùng không thuận lợi ví dụ như năng lực hạn chế của CEEE và thành viên cộng đồng về du lịch sinh thái và nhận biết về VQGBDNB cũng còn giới hạn; do đó, phải nỗ lực rất nhiều trong mọi mặt.
Dự kiến, trong thời gian tới, dự án sẽ phát triển thêm loại hình du lịch nông nghiệp để thu hút thêm du khách và thu hút thêm sự tham gia của cộng đồng nhằm mang lại thêm nguồn lợi cho người trồng cà phê trong địa phương khi tham gia đón tiếp du khách. Về lâu dài, hoạt động này có thể giúp tăng thêm thu nhập, ổn định sinh kế cho cộng đồng của những người mà phần lớn thu nhập lệ thuộc hoàn toàn vào cây cà phê và phải gánh chịu những tác động nặng nề trong trường hợp năng suất sụt giảm hay giá cả không thuận lợi.